Multimedia Đọc Báo in

Những người lính nơi biên thùy

09:55, 08/02/2024

Không chỉ chắc tay súng bảo vệ bình yên Tổ quốc, những người lính nơi cửa ngõ biên thùy còn gắn bó, đồng hành giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn, góp sức xây dựng cuộc sống ấm no trên vùng khó.

Biên cương sâu đậm ân tình

Là một trong những địa bàn khó khăn nhất trên tuyến biên giới tỉnh, xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) hiện còn khoảng 62,8% hộ nghèo, cận nghèo. Để đổi thay nhịp sống trên vùng đất gian khó ấy, ngày ngày, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê vẫn lặng thầm góp sức, động viên, giúp đỡ từng hoàn cảnh.

Con đường đến nhà của bà Tạ Thị Mạnh quanh co, đầy bụi đất. Năm 2009, bà từ Bến Tre lên quê hương mới xã Ia R’vê sinh sống, lập nghiệp. Tuy nhiên đất đai cằn cỗi, thiếu vốn sản xuất khiến đời sống của gia đình triền miên trong khó khăn. Niềm vui sinh kế chỉ thực sự hé mở với gia đình khi được bộ đội biên phòng hỗ trợ bò giống vào năm 2019. “Tặng cần tặng cả cách câu”, các anh cùng gia đình xây dựng chuồng trại, tìm tòi và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để phát triển sinh kế hiệu quả. Nhờ đó, từ một con giống ban đầu, đến nay gia đình đã có đàn bò 5 con.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ia R'vê đến thăm, động viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Nghĩa tình ấy như nhân lên khi đến nay, Đồn Biên phòng Ia R’vê tiếp tục cử cán bộ giúp đỡ gia đình ngày công lao động, giúp thu hoạch mùa màng, làm hàng rào vườn… Bà Mạnh xúc động: “Bộ đội như người thân trong nhà, cần giúp gì đều sẵn sàng gánh vác. Gia đình có được như hôm nay là nhờ các chú ấy đồng hành”.

Ở thôn 5 của xã Ia R’vê, gia đình ông Hồ Văn Thành được nhắc đến bởi dẫu khó khăn, nhưng các con lại rất chăm ngoan, học giỏi. Trong đó có người con gái đầu Hồ Thị Thu Thảo, hiện là sinh viên năm thứ 4, thường xuyên nhận được học bổng của Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh. Ông Thành bộc bạch: “Ba mẹ làm nông, có những thời điểm kinh tế chật vật lắm, nhưng nhờ các chú bộ đội biên phòng động viên, nhận hỗ trợ, giúp con theo đuổi mục tiêu đến cùng”. Lời nói của ông dành nhiều sự trân quý cho người lính biên phòng là bởi, từ năm Thảo học lớp 8 đến hết lớp 12, bộ đội biên phòng đều đặn hỗ trợ kinh phí 500 nghìn đồng/tháng; tặng sách vở, dụng cụ học tập theo chương trình “Nâng bước em đến trường”. Khi biết Thảo đậu đại học, bộ đội lại tiếp tục gần gũi, hỗ trợ kinh phí, giúp gia đình an tâm tư tưởng, chăm lo cho con cái…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê tuần tra bảo vệ biên giới.
 

Đã theo nghiệp binh, chúng tôi xác định rõ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng”.

 
Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương

Trên dải đất biên cương còn nhiều gian khó, ân tình người lính quân hàm xanh dành cho dân, lo cho dân vẫn đang nối dài. Thiếu tá Cao Mạnh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia R’vê cho biết, hiện nay, đơn vị đang nhận một học sinh khó khăn làm con nuôi; tham gia hỗ trợ trên 130 học sinh trong các chương trình nâng bước em tới trường; đỡ đầu Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuân. Công tác khám bệnh rất uy tín, riêng năm 2023, đơn vị đã khám, cấp thuốc, điều trị miễn phí cho gần 900 lượt người, trong đó có nhiều bệnh khó như tai biến, liệt nửa người, gai cột sống…

Giữ bình yên biên ải

Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 13 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) và phụ trách địa bàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Toàn xã có 15 dân tộc cùng chung sống ở 7 buôn và 1 thôn với 1.660 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78%. Những năm qua, Ðảng ủy, Ban Chỉ huy Ðồn đã chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nơi đây phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế gia đình, xây dựng buôn làng đoàn kết, ấm no, phát triển.

Một trong những điểm nổi bật là công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trong cộng đồng dân cư. Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk cho hay, do đặc thù xã Krông Na là địa bàn có diện tích rừng rộng lớn nên một bộ phận người dân vẫn còn tàng trữ vũ khí, đặc biệt là vũ khí tồn tại sau chiến tranh để sử dụng vào mục đích săn bắn, bảo vệ mùa màng. Xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, nhất là giúp người dân nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về tàng trữ, sử dụng vũ khí, bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, già làng, trưởng thôn buôn, người có uy tín trong cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nương rẫy” bất kể ngày đêm để vận động bà con giao nộp vũ khí. Nhờ vậy, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, chủ động mang vũ khí đến giao nộp.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân tuần tra bảo vệ biên giới.

Theo anh Phạm Văn Anh (dân tộc Mường, trú buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), các cán bộ, chiến sĩ biên phòng ở đây gần gũi, thường xuyên giúp đỡ người dân làm ăn, không nghe kẻ xấu dụ dỗ buôn lậu, vi phạm pháp luật. Bà con yên tâm làm ăn, con cái được học hành đầy đủ.

Để bảo vệ bình yên trên tuyến đầu, người lính quân hàm xanh gần như dành trọn tuổi xanh cho biên cương Tổ quốc. Đặc biệt, mỗi dịp lễ Tết, sự hy sinh thầm lặng của người lính, hậu phương càng rõ ràng. Hơn 20 năm nay, năm nào Trung tá Nguyễn Anh Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk cũng đón Tết xa nhà. Quê anh ở tỉnh Phú Thọ, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng đã vào Đắk Lắk công tác và gắn bó với mảnh đất này cho tới nay. Trung tá Hùng tâm sự: “Vì nhiệm vụ, chúng tôi sẵn sàng hy sinh cuộc sống riêng tư, gác lại phút giây đầm ấm bên gia đình, người thân để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Dù xa nhà trong những ngày Tết nhưng chúng tôi luôn có hậu phương động viên, chia sẻ, nhân dân nơi vùng biên chở che nên càng thêm quyết tâm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc”.

Quỳnh Anh - Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc