Multimedia Đọc Báo in

“Tạc rồng” trên đỉnh Hà Lan

08:13, 06/02/2024

Tết đến, xuân về, ngoài các hoạt động truyền thống, quen thuộc như làm báo tường, báo ảnh, gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, múa lân sư rồng, kéo co, đẩy gậy, ném còn…, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Mang Yang (Trung đoàn 95, Sư đoàn 2, Quân khu 5, đóng quân tại khu vực đèo Hà Lan (thị xã Buôn Hồ)) còn có một sân chơi khác rất hấp dẫn, đó là hội thi đắp linh vật do liên chi đoàn tổ chức.

Chào năm mới Giáp Thìn 2024, bằng đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, bộ đội nơi đây đã chế tác được hàng chục con rồng oai phong, lẫm liệt, to nhỏ khác nhau, góp phần làm đẹp cảnh quan, môi trường đơn vị.

Những ngày cuối năm, trong khuôn viên doanh trại Trung đoàn 95, cánh lính trẻ vừa rôm rả bàn chuyện Tết, vừa tất bật trang hoàng nhà cửa, khuôn viên, vườn hoa, cây cảnh, làm báo ảnh, báo tường. Bên cặp rồng vàng khá đẹp và tinh xảo đắp bằng bê tông dài hơn 2 m, đã hoàn thiện phần thô, Binh nhất Nguyễn Quốc Châu và các chiến sĩ Trung đội 1 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 7) chăm chú tỉa râu, đắp vảy, tô màu… để tác phẩm trở nên bắt mắt, sống động hơn. “Chúc mừng năm mới”, “An khang thịnh vượng”, cặp câu đối thư pháp nền đỏ chữ vàng được hai chú rồng “phấn khởi” giương cao.

Các "nghệ nhân" áo lính trang trí hoàn thiện cho chú rồng.

Binh nhất Nguyễn Quốc Châu cho biết: “Đắp rồng, khó nhất là phần đầu, đuôi và chân. Sau khi tạo dáng cơ bản, chúng tôi sẽ tập trung “make up”, làm đẹp, chải chuốt từng sợi râu, cái vẩy, cái móng để ai nhìn vào cũng thấy được vẻ oai phong, lẫm liệt nhưng rất thân thiện, gần gũi của rồng. Việc đắp vảy cho rồng tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất kỳ công và tốn thời gian, vì có những chi tiết chỉ nhỏ như đốt ngón tay. Hy vọng khi trình làng, cặp “Song long chầu nguyệt” của chúng tôi sẽ được mọi người đón nhận”.

Sở trường của Binh nhất Lê Công Mạnh, chiến sĩ Đại đội Trinh sát 20 là khả năng múa võ, lộn mèo, chém đinh, chặt sắt, tung mình bay qua vòng lửa, bắn súng hai tay như một… Thêm nữa, anh còn là một tay đàn ghi ta, họa sĩ, thợ xây, đầu bếp khá đa tài. Với nghề cơ khí “học lỏm” của người quen trước khi đi bộ đội, trong môi trường quân ngũ, anh luôn được cấp ủy, chỉ huy đơn vị trọng dụng, phát huy, qua đó nâng cao trình độ tay nghề. Được Bí thư Chi đoàn tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách tổ thợ nề chế tác linh vật của năm, sau hai ngày lên mạng tham khảo, Mạnh đã có trong tay bản vẽ ưng ý nhất và bắt đầu thực hiện các công đoạn “tạc rồng”. Tuy thành phẩm nặng gần 4 tạ, song với hệ thống giá đỡ, bánh xe được thiết kế khoa học, khéo léo, bộ đội có thể di chuyển cặp rồng từ nơi này sang nơi khác rất dễ dàng, thuận tiện.

Chiều nào cũng vậy khi mọi việc đã xong xuôi, cánh lính trẻ ở các đại đội, tiểu đoàn lại tập trung đông đủ tại khuôn viên ngắm nghía thành quả sáng tạo của các “nghệ nhân áo lính”, tiếng cười, tiếng nói râm ran. Theo chia sẻ của Thượng úy Nguyễn Hữu Phước, Chính trị viên Đại đội Trinh sát 20, do làm bằng xi măng, cốt thép nên trước khi trình làng, “rồng” cần được dưỡng ẩm, phơi khô theo bí quyết riêng của các “nghệ nhân”, tránh tình trạng nứt, gãy các chi tiết, nhất là các bộ phận nhỏ như móng, chân, râu, vảy. Khi tác phẩm đã hoàn thiện, các chiến sĩ có thể cưỡi lên lưng rồng để tạo dáng, chụp ảnh bình thường.

Các linh vật do chính bộ đội tạo hình là điểm nhấn ấn tượng trong khuôn viên Trung đoàn 95.

Trong khu vườn tượng với hàng chục chú gà trống, ngựa vằn, ngựa ô, rắn hổ mang, hươu nai, voi, sư tử làm bằng bê tông cốt thép đan…, Trung úy Thân Văn Khánh, Chính trị viên Đại đội 4 cho biết: “Hội thi đắp linh vật được liên chi đoàn khởi xương, phát động từ năm 2008. Thời gian đầu, bộ đội thường dùng đất sét, mùn cưa để chế tác linh vật, bởi đây là những vật liệu tự nhiên, sẵn có, lại rất dễ làm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, sản phẩm sẽ bị nứt vỡ, không cách gì bảo quản được. Trước thực tế đó, khoảng 5 năm trở lại đây, các chi đoàn bắt đầu sử dụng bê tông, cốt thép để chế tác linh vật. Với sự sáng tạo, khéo léo của mình, các chiến sĩ còn mày mò, nghiên cứu, lắp đặt hệ thống đèn led, âm thanh và liên kết những chú linh vật này với chiếc bếp lò nấu bánh chưng để chúng có thể phun lửa, phả khói, phát ra tiếng động… Ngày 23 tháng Chạp, các linh vật sẽ chính thức ra mắt, tạo nên điểm nhấn đặc sắc, ấn tượng trong khuôn viên, khu vực vui chơi của các chi đoàn. Thân nhân, gia đình, bạn gái của các chiến sĩ khi đến thăm, chúc Tết đơn vị thường rất thích được tạo dáng, chụp ảnh cùng những chú linh vật ngộ nghĩnh, dễ thương này”.

Sau 15 năm tổ chức hội thi, bộ đội đã chế tác được gần 300 linh vật với hình dáng, kích thước độc đáo tạo nên điểm nhấn ấn tượng về sự tài hoa, khéo léo của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Mang Yang.

An Khang


Ý kiến bạn đọc