Multimedia Đọc Báo in

Vững vàng biên cương

07:18, 26/04/2024

Đắk Lắk nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, có đường biên giới dài gần 72 km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Vượt mọi khó khăn, Đắk Lắk đã và đang nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, nâng cao đời sống nhân dân, gìn giữ bình yên vùng phên dậu Tổ quốc.

Huy động hiệu quả các nguồn lực

Để tạo tiềm lực xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, Đắk Lắk đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển khu vực biên giới của tỉnh, xây dựng các xã biên giới vững mạnh về mọi mặt nhằm thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; có chính sách phù hợp để triển khai một số nhiệm vụ đặc thù về quốc phòng - an ninh trên địa bàn biên giới; xây dựng các công trình quan trắc, giám sát môi trường sinh thái, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai.

Tỉnh xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh về mọi mặt, liên kết chặt chẽ giữa khu vực phòng thủ biên giới với khu vực phòng thủ các huyện nội địa, làm nền tảng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ biên cương, cột mốc.

Tỉnh đã ưu tiên bố trí ngân sách để nâng cấp, duy tu các công trình phổ thông, các công trình chiến đấu, doanh trại, xây dựng hệ thống nước sạch nhằm nâng cao đời sống cho bộ đội; xây dựng các dự án bờ kè sông chống sạt lở, bảo vệ cột mốc biên giới. Tính từ năm 2019 đến nay, địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng 8 đường ra các cột mốc biên giới, với tổng chiều dài hơn 7 km; xây dựng đường giao thông từ xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) vào các Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, Yok M’bre; dự án đường cơ động sẵn sàng chiến đấu… với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Trong phát triển kinh tế - xã hội vùng biên, tỉnh đã ưu tiên ngân sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng. Tỉnh triển khai nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, phương pháp chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp điều kiện vùng biên. Từ đó đã từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất kinh tế hàng hóa, các mô hình phát triển nông, lâm nghiệp với quy mô vừa và nhỏ, từng bước nâng cao đời sống nhân dân địa bàn biên giới.

Vì biên cương no ấm

Những năm qua, các phong trào, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới có sự chuyển biến rõ nét. Dấu ấn ấy có sự chung tay, góp sức không nhỏ của bộ đội biên phòng, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, nhà hảo tâm…

Gần 40 năm trước, vợ chồng ông Hoàng Minh Lý đến xã biên giới Ea Bung (huyện Ea Súp) để sinh sống, lập nghiệp. Cuộc sống khó khăn, ông bà tuổi ngày càng cao, hay đau yếu nhưng vẫn phải sống trong căn nhà cũ chật hẹp, xuống cấp.

Đồng cảm với hoàn cảnh gia đình, cuối năm 2023, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây tặng ông bà căn nhà cấp 4, với tổng kinh phí 150 triệu đồng.

Trong đó, hơn 80 triệu đồng được doanh nghiệp quyên góp, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê hỗ trợ ngày công xây dựng. Có ngôi nhà mơ ước, vợ chồng ông Lý vui mừng khôn xiết, an tâm sinh sống tuổi già…

Bộ đội Biên phòng chung sức giúp dân ngày công lao động.

Chung tay hỗ trợ nhân dân vùng biên dựng xây nhà cửa chỉ là một trong nghìn nghìn việc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham gia thực hiện trong nhiều năm qua. Nói là nghìn nghìn bởi khó có thể đong đếm hết tình cảm, trách nhiệm mà người lính quân hàm xanh dành cho người dân nơi biên ải trong mọi mặt đời sống, đặc biệt là tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.

Một trong những hoạt động nổi bật là bộ đội biên phòng đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan, đơn vị xây dựng được 86 căn nhà Đoàn kết quân - dân, nhà Đồng đội. Đơn vị phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật, triển lãm ảnh và lễ hội truyền thống các dân tộc; thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng Sở Thông tin và Truyền thông khảo sát xây dựng, lắp đặt hệ thống trang thiết bị phục vụ thông tin, truyền thông ở khu vực biên giới. Đến nay, 4/4 xã biên giới có hệ thống loa truyền thanh, hầu hết các khu vực đã được phủ sóng điện thoại, phát thanh, truyền hình.

Song song đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp triển khai công tác trợ giúp pháp lý và Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới”; phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành khảo sát thực trạng công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân để tham mưu cho UBND tỉnh, huyện biên giới đầu tư nhân lực, vật lực cho lĩnh vực này. Đồng thời hỗ trợ nhiều hộ cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế, cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo; miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Tâm (xã Ea Bung, huyện Ea Súp) bày tỏ: “Không riêng gia đình mình, mà ở vùng biên Ea Bung, rất nhiều hộ gia đình thường xuyên nhận được sự giúp đỡ nghĩa tình của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là người lính biên phòng. Đáp lại sự tận tình, trách nhiệm ấy, người dân Ea Bung nhắc nhở nhau chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không vi phạm quy chế biên giới; không vượt biên trái phép…”.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.