Multimedia Đọc Báo in

Nhiệt huyết người lính…

08:34, 27/12/2024

Không chỉ xông pha, dũng cảm trên chiến trường, trở về cuộc sống thời bình, những người lính năm xưa lại tiếp tục thầm lặng đóng góp cho quê hương, đất nước.

Người con ưu tú của buôn làng

Nhiều năm nghỉ hưu, nhưng Đại tá Niê Brét (nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn, giọng nói ấm áp, gần gũi.

Niê Brét vào bộ đội năm 1980, khi mới 18 tuổi. Sau khóa huấn luyện tân binh, chàng trai trẻ được giao làm chiến sĩ liên lạc của Tiểu đoàn 303 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk) với công việc chủ yếu là kết nối thông tin, liên lạc giữa các chỉ huy, giữa các đại đội với chỉ huy Tiểu đoàn để phục vụ nhiệm vụ chiến đấu. Nhiệm vụ này đòi hỏi người lính trẻ phải nhanh nhẹn, can trường, bởi thời điểm đó tổ chức phản động FULRO khá manh động, trở thành bóng ma hãi hùng ở vùng Tây Nguyên.

Đại tá Niê Brét kể lại một thời tham gia chống FULRO.

Còn nhớ, tháng 6/1982, Tiểu đoàn 303 cùng các lực lượng khác tham gia truy lùng FULRO ở địa bàn biên giới Ea Súp. Sau nhiều ngày len lỏi hành quân dưới rừng rậm, đơn vị phát hiện ra lán trại của bọn chúng nằm sâu trong rừng. Niê Brét được chỉ huy yêu cầu kết nối liên lạc với chỉ huy các đại đội để hội ý triển khai nhiệm vụ chiến đấu. Giữa rừng rậm lạnh lẽo, anh nhanh chóng lần tìm vị trí từng đại đội để kịp thông tin tình hình. Sau hội ý, rạng sáng hôm sau, Tiểu đoàn 303 nổ súng, triển khai các mũi tấn công vào lán trại của bọn chúng. Hàng chục tên bị ta tiêu diệt gọn, thu nhiều vũ khí và tài liệu quan trọng…

Không chỉ tham gia chiến đấu, nghiệp binh của Đại tá Niê Brét còn gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số. Ông giỏi văn nghệ, hiểu biết ngoại ngữ, đặc biệt có thể nói nhiều ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nên thường xuyên có mặt ở các địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thăm hỏi, giúp đỡ đồng bào; tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cựu binh nhiệt huyết với công tác hội

Gặp lại đồng đội nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Xuân Thụ, nguyên Chính ủy Trường Quân sự địa phương xúc động, tự hào kể về những năm tháng được làm việc và cống hiến trong quân đội.

Quê ở Vĩnh Phúc, tròn 19 tuổi, ông đi bộ đội. Sau khóa huấn luyện tân binh, tháng 10/1974, ông về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 25, tham gia cùng đơn vị vào chiến trường Tây Nguyên chiến đấu.

Đại tá Nguyễn Xuân Thụ luôn tự hào được cống hiến trong quân đội.

Ông hồi tưởng: “Thời điểm đó, xe chở quân đi tới Quảng Bình, sau đó, cả đơn vị ròng rã hành quân bộ hơn một tháng trời tới Đắk Lắk để tham gia chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột. Trung đoàn 25 khi ấy được giao nhiệm vụ cắt đường 21 tại huyện Khánh Dương, tỉnh Khánh Hòa (nay là huyện M’Drắk). Vừa tới vị trí đóng quân, toàn đơn vị đã nhanh chóng bắt tay thực hiện nhiệm vụ; củng cố hầm hào, công sự, gùi đạn, lương thực thực phẩm, thuốc men để chuẩn bị chiến đấu. Ròng rã làm nhiệm vụ trong điều kiện đói cơm lạt muối, thèm ngủ, bởi vậy, chỉ cần có thời gian, anh em gục vào vai nhau tranh thủ chợp mắt”.

Sau ngày giải phóng đất nước, Đại tá Nguyễn Xuân Thụ được điều động công tác, giữ nhiều chức vụ khác nhau. Trước khi nghỉ hưu, ông từng nhiều năm làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Buôn Ma Thuột. Trong vai trò, nhiệm vụ mới, ông tích cực tham mưu, hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng các chính sách cho cựu chiến binh; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho hội viên. Ông thường xuyên bám nắm, cổ vũ, động viên đồng đội phát triển sản xuất, kinh doanh; nhiệt tình đồng hành cùng hội viên xây nhà đồng đội, hỗ trợ vật nuôi, con giống, tặng sổ tiết kiệm… Qua đó giúp nhiều trường hợp vượt qua khó khăn, từng bước giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, trong các buổi giao lưu, làm việc với các đơn vị, địa phương, ông thường xuyên truyền lửa, lòng nhiệt huyết cách mạng, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.

Quỳnh Anh
 


Ý kiến bạn đọc