Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế
Sống gương mẫu, tích cực, nỗ lực phát triển kinh tế là cách mà nhiều cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh tỉnh đang thực hiện. Rời quân ngũ, nhưng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn tiếp tục được phát huy trên mặt trận kinh tế, góp phần làm giàu cho bản thân, quê hương, đất nước.
Chung tay giúp hội viên phát triển kinh tế
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Rơ Lứk Bông cho hay, để hỗ trợ cán bộ, hội viên CCB phát triển kinh tế hiệu quả, các cấp hội đã phối hợp với trung tâm khuyến nông cùng cấp tiến hành tập huấn, dạy nghề, tham quan mô hình sản xuất có hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật, định hướng đầu tư cho CCB trong tỉnh. Đồng thời, phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã động viên cán bộ, hội viên CCB giúp nhau làm kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho hội viên.
Ông Phạm Văn Khẩn (giữa) thường xuyên hỗ trợ bò sinh sản cho hội viên cựu chiến binh khó khăn và hộ nghèo tại địa phương. |
Nhờ đó, trong tỉnh đã có nhiều tổ chức hội CCB có từ 70% trở lên là hội viên có mức sống khá và giàu, không còn hộ hội viên nghèo. Cụ thể, hiện toàn tỉnh có 86 địa phương cấp xã, 5 địa phương cấp huyện không có CCB là hộ nghèo (như Hội CCB TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Cư Kuin; các xã Băng A Drênh, Ea Bông (huyện Krông Ana); xã Ea Tân (huyện Krông Năng)…
Các CCB làm kinh tế giỏi cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ hội viên CCB và các hộ nghèo trên địa bàn mình cư trú về vốn, khoa học công nghệ, chuyển đổi hình thức kinh doanh, cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hữu cơ, thân thiện môi trường… giúp hội viên khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, toàn tỉnh có 83 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 20 hợp tác xã, 21 tổ hợp tác, 166 trang trại, 624 gia trại, 1.052 hộ kinh doanh, dịch vụ do cán bộ, hội viên CCB làm chủ, đã thu hút và giải quyết ổn định việc làm thường xuyên cho trên 9.000 lao động.
Như CCB Phạm Văn Khẩn (xã Cư Ni, huyện Ea Kar), sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, ông tìm hiểu nhu cầu thị trường và quyết định kinh doanh vật liệu xây dựng. Ban đầu, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, nhưng nhờ tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, tập trung đầu tư vào chất lượng sản phẩm nên ông Khẩn được nhiều người biết đến, tin tưởng mua vật liệu. Nhờ đó, từ một cơ sở kinh doanh nhỏ, ông đã thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Phước Thiện vào năm 2010. Hiện công ty có doanh thu hằng năm lên đến 50 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động, với mức lương ổn định từ 8 – 10 triệu đồng/người/tháng. Bản thân ông luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương, đồng thời trích các khoản lợi nhuận của công ty mua tặng 16 con bò giống cho các hội viên CCB và hộ nghèo trên địa bàn huyện để phát triển kinh tế; thường xuyên tặng quà, xe đạp… cho người nghèo trên địa bàn. Mới đây nhất, ông đã đóng góp hơn 50 triệu đồng để làm đường bê tông và sửa chữa hội trường thôn 1B (xã Cư Ni, huyện Ea Kar).
Còn CCB Nguyễn Việt Tốt, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Quỳnh Tân (huyện Krông Ana) thì đã góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê cho 105 thành viên trong hợp tác xã, 263 thành viên liên kết. Ông Tốt tập hợp, hướng dẫn người dân sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có chứng nhận quốc tế để bán với giá cao hơn thị trường từ 8.000 – 10.000 đồng/kg cà phê nhân. Nhờ vậy, ông được người dân và thành viên trong hợp tác xã ngày càng tin tưởng, tích cực tham gia vào chuỗi sản xuất có chứng nhận, hình thành thói quen sản xuất mới, bền vững và bảo vệ được môi trường canh tác. Ngoài ra, ông Tốt còn tạo việc làm cho 8 lao động tại chỗ, với mức thu nhập ổn định từ 7 – 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Vươn lên thoát nghèo
Bên cạnh những hỗ trợ của các cấp hội CCB trong tỉnh và đồng đội, các cán bộ, hội viên CCB luôn tự nỗ lực, chăm chỉ làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.
Đơn cử, trường hợp CCB Nguyễn Văn Năm (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) là một trong những tấm gương điển hình đã nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Sau khi xuất ngũ, năm 1983, ông Năm được phân công vào làm việc tại Liên đoàn Địa chất Thủy văn miền Nam (tỉnh Lâm Đồng). Mong muốn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, sau khi dành dụm được ít vốn, vay mượn thêm người thân, ông Năm mua được 3 ha đất tại xã Phú Xuân (huyện Krông Năng). Có đất đai để làm ăn, năm 1989, ông mạnh dạn đưa vợ con từ Nghệ An vào đây sinh sống, lập nghiệp. Còn bản thân ông tiếp tục công tác tại Lâm Đồng đến lúc về hưu. Ông Năm cho hay, dù công tác xa nhà nhưng ông luôn sắp xếp thời gian để về nhà, hỗ trợ, hướng dẫn gia đình phát triển kinh tế. Năm 2007 ông nghỉ hưu, trở về xã Phú Xuân tập trung phát triển kinh tế. Từ 3 ha đất hoang hóa, cằn cỗi, hiện nay ông đã sở hữu một trang trại vườn - ao - chuồng với nhiều loại cây có giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… Bên cạnh đó, ông còn nuôi thêm 80 con heo thịt và 20 con heo nái, mỗi năm xuất ra thị trường gần 40 tấn heo thịt. Với mô hình kinh tế này, mỗi năm mang lại cho gia đình ông Năm gần 1 tỷ đồng tiền lãi.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Năm (thôn 9, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng. |
Hay như trường hợp của CCB Lương Xuân Sỹ (xã Ea Lê, huyện Ea Súp), với ý chí bền bỉ, không ngại khó khăn, gian khổ, quyết tâm làm giàu cho bản thân, gia đình. Ông Sỹ cho hay, năm 1984, ông xuất ngũ trở về quê nhà Phú Thọ bắt tay vào công cuộc xây dựng kinh tế. Gia đình nghèo, lại ít đất sản xuất nên ông phải làm thuê rất nhiều công việc khác nhau để nuôi sống gia đình. Nhận thấy nếu chỉ đi làm thuê thì không thể khá lên, chính vì vậy, năm 2000 ông Sỹ quyết tâm rời quê hương đi xây dựng kinh tế mới tại xã Ea Lê.
Trên vùng đất mới này, ông đầu tư trồng xen 1.000 cây hồ tiêu với các loại cây trồng ngắn ngày (bắp, lúa, sắn...) trên diện tích 5 ha. Khi cây hồ tiêu phát triển tốt, đang cho thu nhập ổn định thì năm 2006 nắng nóng kéo dài khiến toàn bộ vườn hồ tiêu của gia đình bị chết. Không nản lòng, ông chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây điều ghép và cao su, tuy nhiên phần lớn diện tích không mang lại hiệu quả kinh tế.
Cựu chiến binh Lương Xuân Sỹ (xã Ea Lê, huyện Ea Súp) phát triển kinh tế bằng mô hình trồng cây ăn trái. |
Bằng quyết tâm, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Sỹ đọc thêm sách báo, khăn gói đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ tìm hiểu, học hỏi mô hình trồng cây ăn trái để phát triển trên diện tích đất của gia đình. Năm 2019, ông Sỹ chuyển đổi 2,7 ha trồng điều kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái (trong đó có 2 ha trồng nhãn và 7 sào trồng các loại cây ăn trái có múi như bưởi, cam…). Để tăng giá trị của trái nhãn, năm 2021, ông quyết định cải tạo 400 gốc nhãn bằng cách ghép giống TR6 và siêu ngọt. Đến nay, sau một thời gian nỗ lực vươn lên, mô hình trồng cây ăn trái kết hợp cải tạo đất, tăng độ mùn trong đất cho vườn điều, cao su của gia đình đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Sỹ thu lãi từ 300 - 350 triệu đồng, giúp gia đình ông có được nguồn thu nhập ổn định.
Sau những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, các cán bộ, hội viên CCB tỉnh vẫn luôn giữ vững bản lĩnh trên mặt trận phát triển kinh tế, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Toàn tỉnh có 3 CCB đạt danh hiệu hội viên CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương và 55 CCB đạt danh hiệu hội viên CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. |
Thùy Dung - Giang Nga - Ngọc Thùy
Ý kiến bạn đọc