Chuyện ghi ở Đại đội 2
Đến thăm Đại đội 2 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp), có rất nhiều câu chuyện khiến chúng tôi ấn tượng và nhớ mãi.
“Chiếc lược ngà” thời bình
Khi còn đi học, Binh nhất Trịnh Xuân Thăng, chiến sĩ Tiểu đội Phục vụ rất thích học môn Văn. Những tác phẩm văn học về đề tài lực lượng vũ trang, cách mạng là động lực tinh thần để năm 2024 anh viết đơn xung phong nhập ngũ, góp sức trẻ bảo vệ quê hương. Sau ba tháng huấn luyện chiến sĩ mới, thấy anh nhanh nhẹn, tháo vát, có tài nội trợ, chỉ huy đơn vị đưa anh về bộ phận nuôi quân. Công việc vất vả song anh và các chiến sĩ Tiểu đội Phục vụ luôn cố gắng để bộ đội được ăn ngon, ăn đủ, có sức khỏe tham gia học tập, sẵn sàng chiến đấu.
Mới đây, thuộc diện ưu tiên giải quyết phép tiêu chuẩn cho đối tượng chiến sĩ nghĩa vụ đã có gia đình, Thăng được về nhà thăm vợ con. Thế nhưng thật trớ trêu, trong ngày đầu về phép, cô con gái nhỏ của anh vùng vằng không cho bố bế. Phải mấy ngày sau cô bé mới quen hơi, bện tiếng, bố đi đâu cũng lẽo đẽo theo đuôi.
![]() |
Binh nhất Trịnh Xuân Thăng bên vợ và con gái. |
Thăng chia sẻ: “Nhà tôi ở xã Cư Né (huyện Krông Búk), cách đơn vị gần 130 cây số. Ngày tôi nhập ngũ cũng là ngày vợ tôi chuyển dạ. Do đường sá xa xôi, vợ tôi lại bị say xe nên hơn một năm nay bố con tôi chưa được gặp nhau ở ngoài đời. Con gái tôi vừa tròn một tuổi, bụ bẫm, xinh xắn lắm. Những ngày mới về phép, thấy con gái lạ bố, tôi cứ liên tưởng đến hình ảnh anh bộ đội tên Sáu và cô con gái tên Thu trong tác phẩm văn học “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn gian khổ, ác liệt nhất. Bé Thu, vì chiến tranh, xa cách, vì những vết sẹo hằn sâu trên mặt cha mà khi anh Sáu về thăm, cháu đã hoảng sợ và né tránh. Đấy là những phản ứng tâm lý rất thật của trẻ con”.
Bên ấm trà xanh thoang thoảng đưa hương, câu chuyện của bố con Binh nhất Trịnh Xuân Thăng khiến nhiều người xúc động. 50 năm sau ngày đất nước im tiếng súng, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân, những người lính trẻ, trong đó có anh Thăng và cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 vẫn đang lặng thầm hy sinh, cống hiến.
Nhà sáng chế của đại đội
Với hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đoạt giải cao, được triển khai ứng dụng rộng rãi trong thực tế, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, Trung úy Tô Hữu Sỹ, Chính trị viên Đại đội 2 được đồng đội “vinh danh” là nhà sáng chế đa tài.
Hai năm qua, nhờ những bộ băng rôn cổ động thao trường đa năng do Sỹ chế tạo, quá trình huấn luyện trên địa hình đồi dốc, mặt đất cứng, có nhiều đá, hay khi thời tiết bất lợi, mưa to, gió lớn, bộ đội vẫn dễ dàng thao tác, bố trí băng rôn cổ vũ, động viên các chiến sĩ. Binh nhất Ma Văn Chung, chiến sĩ Tiểu đội 7 (Trung đội 3) nhận xét: “Những loại băng rôn vải thường sẽ bị chùng và phai màu sau một thời gian sử dụng, bên cạnh đó, việc bố trí, thu dọn cũng tốn rất nhiều thời gian, công sức. Băng rôn đa năng do anh Sỹ chế tạo đã khắc phục khá triệt để vấn đề này”.
![]() |
Trung úy Tô Hữu Sỹ giới thiệu về chiếc hộp thư góp ý đa năng. |
Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy Đại đội 2 luôn chú trọng làm tốt công tác nắm, quản lý, giải quyết tình hình tư tưởng trong tập thể quân nhân. Những kiến nghị, đề xuất chính đáng của bộ đội và hậu phương gia đình họ đều được quan tâm giải quyết kịp thời, thỏa đáng, có lý, có tình.
Để bộ đội an tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, mạnh dạn nói lên những tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng của bản thân, nhất là những vấn đề riêng tư, khó nói, Trung úy Tô Hữu Sỹ và các cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo hộp thư góp ý đa năng, với những tính năng khá ưu việt.
Tuy hình dạng bên ngoài khá giống những chiếc hộp thư góp ý thông thường, song trên hộp thư này lại có thêm thiết bị cảm biến tự động hồng ngoại, mỗi khi có thư mới, máy sẽ phát tín hiệu, thông báo đến điện thoại của người phụ trách, nhờ vậy, mọi vấn đề luôn được nắm bắt và giải quyết rất nhanh.
Khi huấn luyện, diễn tập, thực hiện nhiệm vụ ngoài doanh trại, các loại vũ khí trang bị luôn được cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 giữ gìn, bảo quản rất cẩn thận. Tuy nhiên, do giá súng vận dụng thường làm bằng đòn cáng, cây rừng nên rất dễ bị cong vênh, gãy hỏng dưới tiết trời nắng nóng, mưa dầm. Trước thực tế đó, anh Sỹ đã mày mò, nghiên cứu, cho ra lò những bộ giá súng di động đa năng bằng sắt, bằng gỗ, có thể tháo, lắp để bộ đội dễ dàng mang vác, đem đi.
Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Cao Bằng, nhân viên Quân khí Đại đội 2 cho biết: “Trong đợt diễn tập vòng tổng hợp do cấp trên tổ chức cuối năm 2024, khi đơn vị hoàn thành nhiệm vụ trinh sát, nắm địch tại Điểm cao 674 trở về thì trời mưa như trút. Nhờ những bộ giá súng này mà bộ đội vẫn có thể xếp đặt các loại súng và sâu vòng cò một cách rất dễ dàng. Khi báo động di chuyển đội hình, việc mở khóa, lấy súng cũng rất nhanh”.
Hà Lê
Ý kiến bạn đọc