Chờ đón Lễ hội đua voi và đua thuyền độc mộc huyện Lắk năm 2017
Ngày 12-3-2017, Lễ hội đua voi và đua thuyền độc mộc sẽ diễn ra tại Hồ Lắk, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk.
Sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách
Được tổ chức ngay cạnh Hồ Lắk, hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên (có diện tích khoảng 880 ha, chiều dài khoảng 5 km, rộng khoảng 2 km), khi đến với Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc huyện Lắk năm 2017, du khách được tận mắt chứng kiến nhiều nghi lễ độc đáo của đồng bào nơi đây. Ở phần lễ không thể không kể đến lễ tắm, cúng sức khỏe cho voi. Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, con voi là đầu cơ nghiệp, là người bạn thân thiết mà Yàng đã ban cho họ. Trong sinh hoạt hằng ngày, voi luôn đỡ đần, thay thế con người gánh vác những phần việc nặng nhọc. Còn trong những ngày hội, voi không chỉ là niềm vinh hạnh của gia đình mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng; vì thế, sức khỏe của voi rất quan trọng, là do Yàng ban cho. Chính vì vậy, việc cúng cầu sức khỏe cho voi rất được bà con nơi đây coi trọng. Sau phần lễ tắm và cúng sức khỏe cho voi, du khách chắc chắn sẽ rất thích thú với màn voi thi chạy, thi bơi. Đua voi được xem là “đặc sản” của du lịch Đắk Lắk nói chung, huyện Lắk nói riêng. Ở đó, trong tiếng cồng chiêng rộn rã, tiếng reo hò cổ vũ nhộn nhịp, những chàng trai Tây Nguyên lực lưỡng khéo léo điều khiển những chú voi khổng lồ bướng bỉnh, tinh nghịch tranh tài. Để phục vụ cho Lễ hội đua voi, Ban tổ chức sẽ huy động 13 con voi tại địa phương. Theo Chủ nhiệm HTX Voi buôn Jun Bùi Văn Đức, đây là những con voi đẹp, mạnh khỏe nhất có hiện đang được các xã viên chăm nuôi.
Đua voi huyện Lắk là một “đặc sản” của du lịch Đắk Lắk. |
Cũng ngay trên mặt Hồ Lắk, Hội đua thuyền truyền thống đã trở thành nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây. Trong quan niệm của người M’Nông, thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện đi lại, vận chuyển đánh bắt thủy sản mà còn là tài sản khẳng định vị thế xã hội trong cộng đồng. Được làm từ cây gỗ sao nguyên khối, thuyền của người M’Nông thường có kích thước bề ngang nhỏ hơn thuyền của các dân tộc khác, về chiều dài tương đồng nhau, ngắn thì 4 đến 5 mét, dài thì 9 đến hơn 11 mét. Đến Hồ Lắk, du khách dễ dàng bắt gặp những chiếc thuyền độc mộc rẽ sóng, lướt nhẹ trên mặt nước với cảnh hoàng hôn nhẹ gió lay đưa, dệt thêm khung cảnh hữu tình vào bản sắc văn hóa truyền thống ngàn đời trên cao nguyên thơ mộng, gợi cho du khách hình ảnh khó quên nơi miền quê yên ả thanh bình. Thế nhưng, khi bước vào hội thi đua thuyền, cũng trên chiếc thuyền truyền thống ấy, những chàng trai M’Nông lực lưỡng lại thể hiện sức mạnh của mình khi khua chèo cưỡi trên những con sóng lướt về phía trước.
Bên cạnh đó, còn có các hoạt động phụ trợ cho lễ hội như tổ chức tham quan thác Bìm Bịp nhằm giới thiệu danh thắng cấp quốc gia; đêm giao lưu văn hóa cồng chiêng tại buôn Jun, nhằm tái hiện các nghi lễ và điệu múa truyền thống của đồng bào M'Nông.
Câu chuyện về đua voi
Được coi như một thành viên trong gia đình của chủ voi, mỗi con voi sẽ có một tên riêng, phù hợp với tính cách của voi, hoặc sở thích của chủ voi, nài voi. Ví dụ voi Thông Răng (buôn Lê) được hiểu nôm na là: hung dữ cần phải cẩn thận; voi Na Tuk (buôn Lê): là “con gái”, nghĩa là 1 con voi cái có tên Tuk theo cách hiểu của người Êđê; hoặc theo giống: giống đực có chữ Y như Y Măn, giống cái là H’ như H’Khăm. Ngoài tên riêng, tính cách mỗi con cũng khác nhau, phải hiểu, phải chiều thì nài voi mới có thể điều khiển được voi.
Chương trình Lễ hội đua voi và đua thuyền độc mộc năm 2017 gồm: sáng 11-3 sáng tổ chức tour dã ngoại tham quan thác Bìm Bịp ở xã Yang Tao - danh thắng cấp quốc gia; tối 11-3 giao lưu văn hóa cồng chiêng tại buôn Jun, với sự tham gia của các đội nghệ nhân buôn Jê Yuk (Đắk Phơi), buôn M’Liêng (Đắk Liêng), buôn Jun, buôn Lê (thị trấn Liên Sơn)...; ngày 12-3 tổ chức hội đua voi diễn ra từ 8 giờ đến 11 giờ và đua thuyền độc mộc lúc 14 giờ 30. |
Con voi được xem như một thành viên trong gia đình vì hầu hết các gia đình đều nuôi từ rất lâu. Thậm chí, tuổi của voi còn lớn hơn cả tuổi chủ voi, nài voi. Như voi H’Băn (buôn Jun) đã 65 tuổi, đây cũng là con voi lớn tuổi nhất tham gia đua voi lần này, trước đó nó đã trải qua hàng chục lễ hội lớn nhỏ trong đời. Voi Khăm Sen (buôn Lê) nhỏ tuổi nhất (25 tuổi) thì đây là lần thứ 3 tham gia lễ hội đua voi. Một số voi vì lí do riêng nên không thể tham gia lễ hội được. Điển hình như voi H’Nang đang mang bầu, sức khỏe không bảo đảm nên phải tạm dừng “cuộc chơi” ở “phút 89”.
Cũng như con người, voi cũng có cảm xúc, biết giận, hờn, vui khi gặp những vấn đề trong cuộc sống. Những lúc như thế này, nài voi rất quan trọng, phải nắm được suy nghĩ của voi mà điều khiển. Ama Đạt (buôn Jun) chia sẻ: “Voi như một đứa trẻ, muốn cho cả thế giới biết những gì mình đang nghĩ, nhưng không biết thể hiện thế nào”. Ama Đạt còn khẳng định voi có ngôn ngữ riêng trong loài, đồng thời nó cũng có ngôn ngữ với chủ, với nài. Vì vậy, họ mới có thể điều khiển được voi.
Khăm Sen là con voi đoạt 2 giải nhất cả hai nội dung đua trên cạn và dưới nước tại Lễ hội đua voi 2015 tại huyện Lắk. Đây được xem là ứng cử viên nặng kí cho mùa giải năm nay. Anh Y Vinh Êung (buôn Lê) là nài voi của Khăm Sen chia sẻ: “Khăm Sen là một chú voi có tiềm năng, sức khỏe tốt nhưng bản tính lại hung dữ, rất hay đánh nhau với những chú voi khác. Một phần do nó còn nhỏ, chỉ mới 25 tuổi nên còn hơi háu đá”. Anh Y Vinh đã có gần 20 năm gắn bó với Khăm Sen, với voi trong buôn làng, nên hơn ai hết anh rất hiểu tính voi. Những khi voi hung dữ, anh có thể cảm nhận được; và để tránh tình trạng không hay xảy ra, anh nhanh chóng tách đàn và xoa dịu sự bằng cách cho ăn, cho uống nước, vuốt ve, thậm chí là kể chuyện. Để chuẩn bị cho việc tham gia lễ hội, anh cho Khăm Sen nghỉ ngơi 1 tuần trước khi thi, không chở khách du lịch đi tour; cho ăn nhiều hơn, bổ sung thêm chất dinh dưỡng, vệ sinh móng cho voi.
Khi đua, thắng hay thua chủ yếu do bản năng và khí chất của voi, nhưng anh Y Vinh và những nài voi khác vẫn dắt voi của mình đi cho quen đường đua, thử những đoạn đường khó. Ngoài ra Y Vinh cũng chia sẻ thêm: voi tuy to con nặng nề nhưng làn da lại rất nhạy cảm, ruồi hay côn trùng đậu trên người voi nhận ra ngay. Vì vậy khi đua dưới nước voi rất dễ bị tổn thương ở chân, do không biết vật gì ở dưới. Anh Y Vinh đã đề nghị Ban tổ chức bố trí bác sĩ chuyên về voi để hỗ trợ những khi cần thiết.
Giang Nam – Ánh Ngọc
Ý kiến bạn đọc