Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh được tặng danh hiệu làm kinh tế giỏi

05:04, 21/07/2017

Cựu chiến binh Lê Văn Cúc sinh năm 1955 tại xã Hoằng Đại, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tháng 2-1975, ông nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, ông cùng đồng đội tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam.

Năm 1991, ông Cúc xuất ngũ, cùng gia đình vào xây dựng kinh tế mới ở xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin). Với quyết tâm không lùi bước trước khó khăn, ông bắt tay khai hoang được 1,1 ha đất để trồng cà phê. Ngoài ra, ông còn đi làm thêm, nấu đậu phụ để tăng thu nhập lo cho các con ăn học. Với uy tín của cựu chiến binh tăng thiết giáp, ông được tín nhiệm nhận vào làm việc tại Phòng Thanh tra bảo vệ Nông trường Việt Đức 4 ngày đó. Kinh tế gia đình từng bước bớt khó khăn. Tuy nhiên, khi cây cà phê bắt đầu vào giai đoạn kinh doanh thì giá cà phê trên thị trường giảm mạnh khiến gia đình ông một phen lao đao. Không nản chí, ông Cúc mạnh dạn đi học những cách làm kinh tế hiệu quả cao để áp dụng. Với lợi thế đất đai sẵn có, ông xây dựng mô hình vườn, ao, chuồng. Đến năm 2010, ông đã tiến hành nhổ bỏ những cây cà phê già cỗi và trồng xen một số loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng…

Cựu chiến binh Lê Văn Cúc kiểm tra chất lượng sản phẩm bơ trước khi giao cho  người mua.
Cựu chiến binh Lê Văn Cúc kiểm tra chất lượng sản phẩm bơ trước khi giao cho người mua.

Ham học hỏi, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, cùng với quyết tâm cao của người lính, cựu chiến binh Lê Văn Cúc đã xây dựng được cơ ngơi với vườn hồ tiêu cho năng suất cao, kết hợp xen canh cây ăn trái và chăn nuôi… Đặc biệt, trong sản xuất, ông không sử dụng thuốc hóa học mà chỉ dùng phân hữu cơ, phân chuồng vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng thu nhập cho gia đình. Sau khi trừ đi chi phí, gia đình ông Cúc có thu nhập đều đặn từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Cúc còn thường xuyên liên lạc với đồng đội để nắm bắt thông tin, sẵn sàng hỗ trợ những trường hợp khó khăn.

Làm kinh tế giỏi, lại được tín nhiệm trong công việc, từ năm 1997 đến năm 2007, ông Cúc được bầu vào Ban Chấp hành Đảng ủy, HĐND xã Cư Êwi, rồi HĐND huyện Cư Kuin. Năm 2007, xã Cư Êwi được chia tách thành xã Ea Ning và Cư Êwi, ông xin nghỉ chế độ. Cựu chiến binh Lê Văn Cúc tâm sự: “Kinh tế có lúc khó khăn, nếu kiên trì sẽ không đói, nhưng không học vấn sẽ không làm được gì. Với suy nghĩ trên, vợ chồng tôi luôn động viên các con chăm học. Tài sản lớn nhất của chúng tôi là 3 con đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định”.

Với những đóng góp tích cực, cựu chiến binh Lê Văn Cúc vinh dự được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen là người có công với cách mạng tiêu biểu, đạt thành tích cao trong lao động sản xuất và công tác. 

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.