Cựu chiến binh huyện Cư Kuin thi đua làm kinh tế giỏi
Những năm qua, nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Cư Kuin luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo.
Ông Vũ Sỹ Quang (SN 1957) ở thôn 2, xã Ea Tiêu là một điển hình. Sinh ra và lớn lên ở Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, sau những ngày tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, thống nhất đất nước, ông cùng vợ con vào Đắk Lắk sinh sống. Những ngày đầu lập nghiệp, do không có đất sản xuất nên cuộc sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi tham gia tìm hiểu các mô hình làm kinh tế, cùng với kinh nghiệm vốn có của bản thân, ông Quang quyết định vay tiền làm lò nấu bánh chưng, bánh tét. Nhờ làm ăn uy tín, bánh của ông ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng sử dụng và đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân đặt hàng số lượng lớn như siêu thi Co.opMart Buôn Ma Thuột, Gia Lai, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh… Từ chỗ phải thuê nhà ở, đến nay ông đã xây được nhà mới khang trang, mua được 2 ha đất rẫy cà phê. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Quang còn giúp các hội viên khác vay 50 triệu đồng không tính lãi, tạo công ăn, việc làm cho 10 lao động, chủ yếu là con em trong Hội.
Một mô hình trồng tiêu phát triển kinh tế của hội viên CCB xã Ea Tiêu. |
Cũng như ông Quang, con đường phát triển kinh tế của ông Phạm Ngọc Dần, thôn Lô 13, xã Dray Bhăng cũng không mấy bằng phẳng. Là quân nhân từng làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, sau 5 năm phục vụ trong quân đội, do sức khỏe không bảo đảm (mất sức lao động 60%), ông Dần được đơn vị cho phục viên hưởng chế độ bệnh binh. Năm 1986, ông cùng gia đình từ Nam Định vào Đắk Lắk để làm ăn, sinh sống. Ban đầu, hai vợ chồng chủ yếu đi cày thuê, cuốc mướn. Về sau, có được chút vốn, vợ chồng ông làm chuồng trại để chăn nuôi lợn nái và lợn thịt, cuộc sống đủ ăn nhưng vẫn chưa khá giả. Trong dịp về thăm quê, thấy một mô hình sản xuất túi ni lông rất hiệu quả và giúp được nhiều lao động có việc làm ổn định, năm 2008, ông Dần bắt tay vào xây dựng cơ sở sản xuất túi ni lông. Ban đầu, ông chỉ đầu tư một dây chuyền sản xuất, thấy có hiệu quả ông quyết định mở rộng quy mô kinh doanh gấp đôi. Hiện nay, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu về gần 400 triệu đồng/năm, tạo công việc đều đặn cho 10-15 người, với mức thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng.
Theo ông Phạm Đình Trường, Chủ tịch Hội CCB huyện Cư Kuin, những năm qua, Hội luôn tạo mọi điều kiện để giúp các hội viên tham gia phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Để làm tốt nhiệm vụ này, các cấp hội đã tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương thúc đẩy cuộc vận động hội viên CCB giúp nhau xoá đói giảm nghèo với nhiều hình thức phong phú và mang lại hiệu quả thiết thực, như tổ chức các cuộc hội thảo giúp nhau xoá đói giảm nghèo, học tập các mô hình phát triển kinh tế. Đến nay, Hội đã đóng góp xây dựng được tổng số quỹ là 3,698 tỷ đồng, đã giải quyết cho hội viên vay với lãi suất thấp. Ngoài quyên góp tiền, xây dựng quỹ, Hội còn tổ chức giúp đỡ nhau bằng ngày công lao động. Trong 5 năm qua, Hội CCB huyện Cư Kuin đã tổ chức giúp hội viên được hơn 800 ngày công và hàng ngàn cây giống các loại. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã xây được 4 ngôi nhà tặng các gia đình CCB nghèo, mỗi ngôi nhà trị giá 30 triệu đồng; mua 12 con bò, trị giá 15 triệu đồng/con tặng 12 hội viên.
Từ những chương trình, hoạt động thiết thực, hiệu quả, đến nay Hội CCB huyện Cư Kuin đã xoá được 125 hộ nghèo, hàng trăm gia đình hội viên đã vươn lên làm giàu chính đáng.
Như quỳnh
Ý kiến bạn đọc