"Đền ơn đáp nghĩa" là tình cảm và trách nhiệm!
Thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đã phải hy sinh biết bao xương máu của các thế hệ người Việt Nam.
Sự hy sinh ấy là vô giá không gì sánh nổi, thể hiện lòng yêu nước của toàn dân tộc không chịu khuất phục bất kỳ thế lực ngoại xâm nào. Và ngày 27 tháng 7 hằng năm trở thành Ngày Thương binh - Liệt sỹ để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta bày tỏ tấm lòng tri ân, tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sỹ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Công tác đền ơn đáp nghĩa trở thành nét đẹp văn hóa, truyền thống của dân tộc ta.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và có hàng loạt việc làm cụ thể thiết thực trong lĩnh vực chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, những người có công với cách mạng; cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, thì phong trào “đền ơn đáp nghĩa” “uống nước nhớ nguồn” cũng được xã hội quan tâm chia sẻ. Từ đó huy động được sức mạnh của cộng đồng, mọi tổ chức, tầng lớp nhân dân thể hiện tình cảm của mình góp phần chăm lo, giảm bớt khó khăn cho các đối tượng chính sách có công trong những hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng chính là thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Hiện nay, cả nước có hơn 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng của Nhà nước. Riêng tỉnh ta có gần 50.000 người có công với nước và thân nhân được hưởng chính sách ưu đãi; trong đó gần 13.000 đối tượng đang được chi trả trợ cấp hằng tháng, hơn 41.000 đối tượng hưởng trợ cấp một lần, trợ cấp hằng năm và hưởng quyền lợi chính trị khác.
Thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ . Ảnh: Vân Anh |
Thiết nghĩ công tác đền ơn đáp nghĩa được thể hiện bằng nhiều hình thức và việc làm xuất phát từ tấm lòng, điều đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội đối với những người có công.
Do vậy bên cạnh chế độ của Nhà nước, thì mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, trước hết là từng cán bộ, nhân viên, người lao động phát huy hơn nữa truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân tương ái” xây dựng nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hằng năm. Nguồn quỹ này sẽ chuyển đến cơ quan có trách nhiệm, có thể là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hoặc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh để tiến hành tu sửa nhà cửa hay xây mới, tặng xe lăn, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa…cho những đối tượng thuộc diện người có công cần thụ hưởng; phụng dưỡng và chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh chu đáo hơn.
Các trường học phổ thông gắn kết cùng địa phương đảm nhận việc giữ gìn, bảo quản, tôn tạo đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ… trên địa bàn. Tất cả những việc làm cụ thể tình nghĩa ấy vừa có tính giáo dục góp phần nâng cao nhận thức, lòng tự hào của thế hệ hôm nay, vừa là nguồn động viên thiết thực cổ vũ người có công vượt qua mất mát, thương tật; đồng thời khích lệ tạo điều kiện để các anh, chị thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, khắc phục khó khăn vươn lên làm kinh tế và tham gia công tác xã hội, xứng đáng là công dân kiểu mẫu, gia đình tiêu biểu trong mọi thời kỳ của đất nước.
Thanh Phong
Ý kiến bạn đọc