Multimedia Đọc Báo in

Thăm di tích Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán

10:58, 26/08/2018
Khu di tích Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán là một trong các di tích cấp quốc gia nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi.
 
Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán là người có công trạng to lớn đối với vùng đất Quảng Ngãi nên các sử gia triều Nguyễn ca ngợi ông là danh nhân đất Quảng Ngãi. Sử gia Nguyễn Tấn trong bộ “Phủ man tạp lục” đã đặt Bùi Tá Hán ở vị trí đầu tiên trong các nhân vật góp công lớn vào ổn định vùng đất phía Tây các tỉnh từ Quảng Nam vào Bình Định.
 
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Bùi Tá Hán (1496-1568) quê ở Hoan Châu (nay là huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ông là vị quan văn võ toàn tài, có công lớn đối với triều Hậu Lê. Năm Ất Tỵ (1545), dưới triều Lê Trang Tông, Bùi Tá Hán được phong làm Bắc quân đô đốc Phủ chưởng phủ sự, được cử vào nhậm chức trấn giữ Thừa tuyên Quảng Nam (vùng đất rộng lớn từ phía Nam sông Thu Bồn đến phía bắc đèo Cả). Tại đây, ông cùng con trai là Bùi Tá Thế đã tổ chức nhiều đợt đưa dân từ miền Bắc vào khai hoang lập ấp, xây dựng xóm làng. Dưới quyền cai trị của mình, ông đã dẹp yên các nạn trộm cướp trong vùng. Ông đã lãnh đạo quân sĩ và nhân dân dẹp tan những lần quân Chiêm Thành quấy nhiễu, bảo vệ vững chắc vùng đất biên cương.
 
Đền thờ Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán.
Đền thờ Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán.
Năm 1568, Bùi Tá Hán bị quân Chiêm Thành phục kích và giết tại khu rừng Cầy (nay thuộc xã Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi). Sau khi ông mất, nhà Lê phong tặng Thái bảo để ghi nhớ công ơn. Đến năm Minh Mạng thứ mười ba (1832), được gia phong Khuông quốc tịnh biên Thọ phúc Thượng đẳng thần. Tiếc thương và kính phục vị tướng tài ba có công lớn với quê hương, người dân Quảng Ngãi lập đền thờ và lăng mộ ngay tại nơi ông mất, đổi tên rừng Cầy thành rừng Lăng để tỏ lòng tôn kính. Người dân nơi đây còn thêu dệt về cái chết của ông rằng, Trấn Quốc Công hiển thánh, người và ngựa đi đâu không rõ, chỉ còn lại tấm áo bào vấy máu giữa rừng Cầy mà thôi.
 
Năm 1990, khu mộ và đền thờ Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Trong đền thờ hiện nay còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, đặc biệt là 24 bức sắc phong từ đời vua Cảnh Thịnh đến vua Khải Định cùng nhiều văn bia, liễn đối.
 
Không chỉ là danh tướng có công lớn trong việc trấn biên lập ấp, Bùi Tá Hán còn là thủy tổ của họ Bùi tại Quảng Ngãi. Hằng năm, cứ đến rằm tháng năm (âm lịch), con cháu họ Bùi ở khắp mọi miền Tổ quốc lại trở về đền thờ Trấn Quốc Công tổ chức đám giỗ cho vị tổ của dòng họ. Dịp này, đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh cũng trở về đây, thắp nén hương thơm để tưởng nhớ, tri ân công đức của vị Trấn Quốc Công tài cao đức trọng. 
 
Tuấn Vũ
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.