HÀNH TRÌNH CÙNG CÀ PHÊ BƯỚC RA THẾ GIỚI
1. Tôi đặt chân đến Buôn Ma Thuột từ đầu thập niên 80. Ngày ấy, cà phê Buôn Ma Thuột đã nổi tiếng. Từ Buôn Ma Thuột về đồng bằng hay ra Thủ đô mà có mang được ít cà phê bột làm quà là quý lắm. “Thương hiệu” Buôn Ma Thuột lúc đó rất có uy tín, bởi số nhà rang xay còn rất ít. Quán cà phê hồi đó cũng không nhiều, chủ yếu dành cho người “ghiền”; còn lại hầu hết mọi người uống cà phê phin ở nhà với bạn bè, hàng xóm.
Cho đến cuối thập niên 80, cà phê trong dân vẫn được coi là cây “độc quyền” của một số ít người, chủ yếu là những người định cư từ trước năm 1975. Bởi thời đó trồng cà phê đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, phải có tiềm lực kinh tế để chuẩn bị xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu… từ trước cả năm, những vật tư nhập khẩu này phải đăng ký trước với đơn vị cung ứng chứ không dễ mua ngoài thị trường như bây giờ. Nếu không tưới nước, bón phân kịp thời cà phê sẽ bị sâu bệnh, rụng quả, bị hỏng giàn cành, coi như trắng tay…
Biểu tượng hoa cà phê trong Lễ hội đường phố - Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017. |
2. Về phía Nhà nước, sau khi tiếp quản các đồn điền cà phê lớn như CADA, Rossy, C.H.P.I cùng một số diện tích do tư nhân hiến cho Nhà nước, từ năm 1976-1977, các nông trường quốc doanh đầu tiên của tỉnh được thành lập như: Nông trường Đoàn Kết (huyện Krông Búk, nay là thị xã Buôn Hồ), Nông trường Phước An (huyện Krông Pắc), Nông trường Thắng Lợi, Nông trường 10-3 (Buôn Ma Thuột), Nông trường Đức Lập (huyện Đắk Mil, nay thuộc tỉnh Đắk Nông)… Đến cuối năm 1982, Liên hiệp các xí nghiệp Cà phê Việt Nam thành lập, cùng với sự hợp tác, giúp đỡ của một số nước trong khối Đông Âu, nhiều liên hiệp xí nghiệp cà phê trên địa bàn tỉnh ra đời (Liên hiệp xí nghiệp Cà phê Việt Xô 333, Liên hiệp xí nghiệp Cà phê Việt Đức…). Ngành cà phê bắt đầu khởi sắc, hệ thống nông trường cà phê phát triển rộng khắp biến nhiều vùng đất hoang vu trở thành các khu chuyên canh cà phê. Đặc biệt từ sau “đổi mới” (1986), tỉnh đã chủ trương đầu tư trồng mới, thâm canh cà phê rộng rãi trong nhân dân. Từ đầu thập niên 90, cây cà phê không chỉ là cây “xóa đói giảm nghèo” mà còn là cây làm giàu cho nông dân, thay đổi tập quán du canh du cư của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sang sản xuất hàng hóa... Sản phẩm dồi dào, phát sinh dịch vụ đại lý thu mua cà phê cho ngành ngoại thương, rồi mua trữ cà phê, đầu tư phân bón cho người trồng cà phê. Không chỉ các doanh nghiệp, chủ đại lý mà người nông dân biết đọc báo, nghe đài nắm giá cả cà phê lên xuống trên sàn giao dịch London, New York… để “chốt” giá cà phê gửi đại lý sao cho hiệu quả nhất… Và Đắk Lắk cũng đã từng mơ đến một sàn cà phê quốc tế ngay tại thủ phủ của Tây Nguyên, khi mà diện tích và sản lượng cà phê của địa phương chiếm trên 30% so với cả nước, góp phần đưa sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới sau Brazil và đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê Robusta.
3. Đã có những thăng trầm trong “tiến trình” phát triển của cây cà phê. Nhiều thời điểm cây cà phê bị “thất sủng” do bị rớt giá thê thảm giai đoạn khối Đông Âu biến động, thị trường xuất khẩu truyền thống bị thu hẹp; do bị cây hồ tiêu “qua mặt” khi loại cây này còn được ví là “vàng đen”… Song cây cà phê càng ngày càng khẳng định vị thế không thể thay thế của mình. Cây cà phê bám chặt vào đời sống của người dân Đắk Lắk, Tây Nguyên và không ngừng “hoàn thiện” để cống hiến nhiều nhất cho con người. Đã có nhiều giống mới vượt trội về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu hạn hán, sâu bệnh được ra đời. Cây cà phê đã bắt đầu phát triển theo hướng bền vững: được chăm sóc theo những quy trình mới bảo đảm thân thiện với môi trường, sản xuất có chứng nhận, sản xuất hữu cơ, đảm bảo thương mại bình đẳng… Trên cơ sở đó đã xuất hiện nhiều dòng cà phê đặc sản hội đủ các quy chuẩn quốc tế. Đó cũng chính là tiền đề quan trọng để Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 xác định, một trong những mục tiêu quan trọng của Lễ hội lần này là quảng bá cà phê đặc sản của Việt Nam để từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong các kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.
Mật ngọt cho đời. Ảnh: Nam Phương |
4. Cùng với việc phát triển phương thức sản xuất, kinh doanh, văn hóa cà phê cũng ngày càng “thăng hoa” để xứng tầm với vị thế của Cà phê Buôn Ma Thuột và trở lại góp phần quảng bá để cà phê Đắk Lắk, cà phê Việt Nam hội nhập sâu hơn, rộng hơn. Sản phẩm cà phê rang xay ngày càng đa dạng, cách pha chế cũng cầu kỳ theo nhiều phong cách của thế giới đáp ứng nhu cầu ngày càng tinh tế của người thưởng thức. Đặc biệt, không gian thưởng thức cà phê không chỉ đơn giản là địa điểm ẩm thực mà còn là không gian của nghệ thuật kiến trúc kết hợp không gian âm nhạc, hội họa; không gian thư giãn với những tiểu cảnh mô phỏng thiên nhiên độc đáo. Và cà phê không chỉ dừng lại ở thưởng thức mà còn thưởng lãm - du lịch cà phê! Cuối cùng, không thể không nhắc đến Lễ hội Cà phê mang tầm quốc gia thu hút sự quan tâm của nhiều bạn bè quốc tế… Một cuộc hành trình đi ra thế giới đầy thăng trầm và ngoạn mục của cà phê - “Tinh hoa đại ngàn”.
Thế Nhân
Ý kiến bạn đọc