Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Phát huy vai trò tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng

08:13, 01/07/2021

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các tổ phòng chống dịch COVID-19 cộng đồng trên địa bàn huyện Ea Kar đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, giám sát nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Với tinh thần “Mỗi người dân, mỗi khu dân cư là một pháo đài phòng, chống dịch”, huyện Ea Kar đã chỉ đạo thành lập tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng tại 238 thôn, buôn, tổ dân phố của 16 xã, thị trấn. Thành viên của mỗi tổ gồm lãnh đạo cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể, công an viên, cộng tác viên y tế, đoàn viên thanh niên...

Các tổ được phân công nhiệm vụ phụ trách nhóm hộ gia đình cụ thể, có nhiệm vụ kiểm soát mọi biến động nhân khẩu trên địa bàn, nhất là người ở các địa phương khác về và thông báo cho ban chỉ đạo cấp xã; thực hiện tuyên truyền phòng chống dịch đến từng người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán.

Thông qua hoạt động của tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng, các trường hợp đi và về từ các tỉnh, thành phố, đặc biệt là vùng có dịch đều được thống kê, lập danh sách, hướng dẫn khai báo y tế và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định.

Ông Lê Ngọc Hùng, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ phòng chống dịch COVID-19 cộng đồng thôn Chư Cúc (xã Ea Kmút) trao quyết định cách ly tại nhà của địa phương cho gia đình có người từ vùng dịch trở về.
Ông Lê Ngọc Hùng, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ phòng chống dịch COVID-19 cộng đồng thôn Chư Cúc (xã Ea Kmút) trao quyết định cách ly tại nhà của địa phương cho gia đình có người từ vùng dịch trở về.

Là thôn có nhiều người dân làm ăn và học tập từ TP. Hồ Chí Minh trở về địa phương sau khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay từ cuối tháng 5-2021, ông Lê Ngọc Hùng, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng thôn Chư Cúc (xã Ea Kmút) cùng các thành viên đã đến các hộ dân trên địa bàn nắm từng trường hợp trong thôn đi, về từ các tỉnh, vùng có dịch, yêu cầu thực hiện khai báo y tế, nhắc nhở người dân thường xuyên rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, vệ sinh nhà cửa, hạn chế đi đến nơi đông người. Ông Lê Ngọc Hùng cho hay: “Xác định tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mỗi thành viên trong tổ đều phát huy tinh thần trách nhiệm, không nề hà gì việc đi lại sớm hôm, sẵn sàng trực, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân trong thôn nâng cao cảnh giác, thực hiện khai báo y tế và cách ly khi cần thiết”.

Tương tự, ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, thị trấn Ea Knốp đã kích hoạt lại hoạt động của các tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Bà Nguyễn Thị Thêm, Trưởng Trạm Y tế, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thị trấn Ea Knốp cho biết: Các tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng đã đẩy mạnh tuyên truyền, tiến hành sàng lọc những trường hợp từ vùng có dịch về để đề xuất cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, Trạm Y tế thị trấn đã lập sổ nhật ký, cập nhật báo cáo của các tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng và tình hình dịch bệnh tại địa phương, kiểm soát chặt chẽ mọi biến động nhân khẩu, hoạt động ra, vào địa bàn, cập nhật thông tin y tế...

Trung tâm Y tế huyện Ea Kar lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của người dân trên địa bàn thị trấn EaKnốp trở về địa phương từ các vùng có dịch COVID-19.
Trung tâm Y tế huyện Ea Kar lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của người dân trên địa bàn thị trấn EaKnốp trở về địa phương từ các vùng có dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Ea Kar Trần Đức Lương đánh giá: Các tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng trên địa bàn huyện Ea Kar đã phát huy tốt vai trò của mình, trở thành những “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp tại địa phương. Bên cạnh tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng dịch, các tổ đã nhanh chóng nắm bắt, phát hiện những trường hợp cần theo dõi, giám sát, cách ly, góp phần tạo nên "thế trận lòng dân", sự tin tưởng, đồng thuận trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Xuân Thao


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.