Theo dấu... COVID-19 (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Ánh sáng từ trái tim
Trong “cơn lốc” đại dịch COVID-19, để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù giấu mặt, đòi hỏi lực lượng y tế phải nỗ lực, tận tâm hết mình. Ở họ toát ra nguồn ánh sáng soi rọi suốt những đêm trắng thao thức bên từng người bệnh. Đó là ánh sáng được thắp lên từ trái tim yêu thương, sẻ chia và sự hy sinh vô bờ…
Tập trung nguồn lực chống dịch
Để ứng phó với diễn biến phức tạp của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, ngành y tế đã huy động toàn bộ nguồn lực từ trang thiết bị, vật tư cho đến nhân lực, thậm chí huy động cả cán bộ hưu trí và sinh viên ngành y sẵn sàng tham gia khi dịch bùng phát trên địa bàn.
Cùng với đó, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn, xét nghiệm sinh học phân tử (Real-time PCR) vi rút SARS-CoV-2, kỹ thuật thở máy và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo các kịch bản của Bộ Y tế ban hành. Đồng thời thành lập các đội phản ứng nhanh với dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng, đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng vào vùng dịch làm nhiệm vụ và hỗ trợ cho y tế các tuyến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bệnh nhân 3836 (người thứ hai từ phải sang) tặng hoa tri ân các y bác sĩ trong ngày xuất viện về với gia đình. |
Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, toàn ngành y tế tiếp tục tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai các giải pháp cấp bách để kiểm soát, khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tổ chức giám sát, cách ly và kiểm soát triệt để nguy cơ lây lan dịch bệnh. Sở Y tế cũng yêu cầu mỗi cơ sở khám chữa bệnh tăng cường kiểm tra, giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện; rà soát các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn chéo; chuẩn bị dự phòng trang thiết bị, cơ số vật tư phòng, chống dịch... sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe của nhân dân, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội địa phương.
Hạnh phúc là sớm khống chế dịch bệnh
Sáng 25-6 có lẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất với tất cả cán bộ, nhân viên Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, bởi sau bao nỗ lực thì bệnh nhân COVID-19 số 3836 - bệnh nhân có nhiều biến chứng nguy hiểm - đã được điều trị khỏi hoàn toàn và xuất viện về với gia đình.
Bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế
|
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, ngành y tế Đắk Lắk đã trải qua 2 đợt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với 8 bệnh nhân. Song tình trạng biến chứng nặng như bệnh nhân 3836 là trường hợp đầu tiên ngành phải đối mặt. Trong điều kiện trang thiết bị, máy móc còn thiếu thốn, đội ngũ bác sĩ chưa có kinh nghiệm, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), việc điều trị thành công cho ca bệnh 3836 là niềm vui của đội ngũ thầy thuốc tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cũng như toàn ngành, bởi đây không chỉ là kết quả của bao nỗ lực cố gắng mà còn là cơ hội để các y bác sĩ tiếp cận, trau dồi kinh nghiệm chuyên môn.
Cùng với những thành công bước đầu trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, trong những ngày qua, đội ngũ y bác sĩ hệ dự phòng cũng có nhiều thành tích đáng ghi nhận, đó là nhanh chóng truy vết, phong tỏa, cách ly, xét nghiệm kịp thời các trường hợp liên quan đến các ca bệnh COVID-19. Có thể nói rằng, đến thời điểm này công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã rất chủ động, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra, khống chế được dịch bệnh, tạo sự an tâm cho người dân.
Những giọt mồ hôi của đội ngũ y bác sĩ rơi xuống đã và đang được đền đáp xứng đáng. Bởi như lời bệnh nhân 3836 chia sẻ: “Lúc bệnh trở nặng, phải thở máy, tôi rất hoang mang, lo sợ. Nhưng nhờ liên tục được các bác sĩ chia sẻ, động viên tôi luôn cố gắng phối hợp tốt trong điều trị để vượt qua cơn nguy kịch. Giờ đây đã khỏe mạnh trở lại, tôi chỉ biết tất cả là nhờ vào những nỗ lực của các y bác sĩ”.
Kim Hoàng