Multimedia Đọc Báo in

Lấy phát triển kinh tế làm nền tảng để ổn định chính trị

07:19, 27/08/2020

Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk:

Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi đánh giá cao về tính logic, hợp lý của bố cục và sự chỉn chu trong câu từ văn bản. Tuy nhiên, phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tôi đề nghị bổ sung chi tiết hơn về những thành tựu nổi bật, thế mạnh của địa phương so với các tỉnh khác trong khu vực. Mục đích chính của báo cáo không phải chỉ trình đại hội là xong, mà qua đó còn để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm biết được vị thế của Đắk Lắk hiện nay so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng...

 Đồng chí Trần Sỹ Thanh. Ảnh: Hoàng Gia
Đồng chí Trần Sỹ Thanh. Ảnh: Hoàng Gia
 
Đắk Lắk là tỉnh có rất nhiều tiềm năng và lợi thế về đất đai, con người, sự đa dạng văn hóa... mà nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước không có được. Diện tích đất đai đứng thứ năm cả nước, với tỷ lệ đất trồng trọt canh tác rộng lớn, chất lượng tốt; quy mô dân số đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên và xếp thứ chín cả nước. Đừng nghĩ một chiều rằng dân di cư đến Đắk Lắk là gây khó khăn, mà hãy nhìn nhận ngược lại theo hướng tích cực hơn. Chính sự đa dạng về dân tộc, văn hóa, phương thức sản xuất ấy là sức mạnh, lợi thế cho tỉnh. Theo tôi, trong nhiệm kỳ mới tỉnh cần nghiên cứu quy hoạch lại vùng dân cư, vùng sản xuất để tạo nên những đặc sản, thế mạnh cho từng địa phương.
 
Nhiều năm qua, mô hình dân vận, nắm cơ sở ở Đắk Lắk đã thay đổi theo hướng tích cực, được nhân dân đồng thuận, đánh giá cao. Các cấp lãnh đạo địa phương cũng chưa bao giờ coi nhẹ công tác an ninh quốc phòng. Thế nhưng sau những vụ bạo loạn thì Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk lại được khoác lên mình "chiếc áo giáp" khá dày. Đã đến lúc chúng ta phải đánh giá lại, nên cất "chiếc áo giáp” ấy vào chỗ dự phòng, để sẵn sàng khi cần sẽ "mặc lại". Nói vậy không có nghĩa là chúng ta lơ là, mất cảnh giác mà hãy lấy phát triển kinh tế - xã hội làm nền tảng để ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng. Đây là quan điểm xuyên suốt để người dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước hướng đến, tích cực đầu tư phát triển. Trước hết, tỉnh phải tăng cường hơn nữa công tác an sinh xã hội, chăm lo, tạo sinh kế cho nhân dân, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm gắn với tính đột phá, đặc thù để phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ thì mới làm giàu cho dân, ổn định xã hội, là bệ đỡ cho nền kinh tế tỉnh đi lên. Khi đó, “chiếc áo giáp” vững chắc nhất chính là từ sự đồng thuận, sức mạnh của nhân dân.
 
Nhiệm kỳ tới, tôi cho rằng vẫn phải lấy phát triển kinh tế nông nghiệp làm trọng. Lợi thế của Đắk Lắk  là thủ phủ cà phê của Việt Nam, sản phẩm cà phê đã góp phần lớn vào tổng giá trị xuất khẩu cà phê của cả nước. Tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất ở đây chủ yếu với quy mô nhỏ, manh mún; cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, thiếu sân phơi, nhà kho, thiết bị chế biến… làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê nhân. Vì vậy, Đắk Lắk cần có những mục tiêu cụ thể để phát triển ngành cà phê bền vững, nhằm ổn định thị trường, đem lại thương hiệu cho cà phê Việt Nam, đảm bảo lợi ích cho nông dân và các doanh nghiệp. Nghĩa là phải đưa ra kế sách cụ thể nhằm nâng cao chất lượng cho cà phê từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch và chế biến theo tiêu chuẩn sạch, bền vững để xuất khẩu. Khi chất lượng cà phê được khẳng định trên trường quốc tế thì giá cả mới cao và ổn định.
 
Bên cạnh đó, cũng phải xác định rằng, tỉnh muốn mạnh thì phải có ngành công nghiệp mũi nhọn. Chúng ta sẵn sàng mở cửa mời đón các nhà đầu tư, song cũng nên cân nhắc kỹ từng loại hình đầu tư. Hãy thận trọng khi phát triển ồ ạt các công trình điện năng lượng mặt trời. Bởi sau này, khi các tấm pin năng lượng đó hết hạn sử dụng sẽ rất khó để xử lý, tiêu hủy, ảnh hưởng khôn lường đối với môi trường, và nguy cơ là Đắk Lắk sẽ trở thành “bãi rác” cho ngành công nghiệp này. Chưa chắc tiền ngân sách thu được ngày nay đủ để trả cho mai sau.
 
Lê Thành (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.