Multimedia Đọc Báo in

Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Nhìn từ báo chí nước ngoài

16:24, 12/10/2010


Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội đã khép lại, nhưng cũng kịp để lại những ấn tượng trong lòng các nhà báo nước ngoài, với không ít người đã dành những lời đầy thiện cảm để mô tả về một trong những sự kiện lớn nhất năm của Việt Nam.

"Đắm chìm trong màu đỏ của đủ loại băng-rôn và khẩu hiệu khác nhau, thủ đô Việt Nam bước sang tuổi 1.000, trong một lễ mừng long trọng nhằm nâng cao niềm tự hào quốc gia, đồng thời cho thấy đất nước từng bị chiến tranh tàn phá này đã tiến ra khỏi quá khứ đó” - đó là những dòng đầu tiên trong bài báo của tác giả Margie Mason được hãng tin Associated Press đăng tải.

Định hình bản sắc và niềm kiêu hãnh dân tộc

AP cho biết “Hơn 30.000 người đã tham gia vào cuộc diễu binh lớn nhất Việt Nam, với những quân nhân tiến bước đều tăm tắp, các vũ công múa rồng nhiều màu sắc và 10 chiếc máy bay trực thăng mang theo những lá Quốc kỳ và Đảng kỳ cỡ lớn. Lễ diễu binh, với 1/3 thành phần là quân đội, được tổ chức ở quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập cách đây 65 năm... Buổi lễ nhằm kỷ niệm quyết định dời đô của vua Lý Thái Tổ vào năm 1010 về Hà Nội, khi đó được gọi tên là Thăng Long”.

 

AP nhận xét “Việt Nam vẫn còn nghèo nhưng đã có những tiến bộ vượt bậc kể từ khi mở cửa vào giữa những năm 1980. Tăng trưởng kinh tế trung bình thường niên hơn 7% trong vòng một thập kỷ qua và tỉ lệ người nghèo đã tụt từ 58% trong năm 1993 xuống còn 11% như hiện nay. Thủ đô Hà Nội, dù không hào nhoáng như cổng tài chính TP.Hồ Chí Minh, nhưng cũng đã vươn mình trở thành một thành phố sôi động song vẫn duy trì được những nét quyến rũ mang đậm chất Á đông, với những con phố rợp bóng cây và các công trình kiến trúc cổ có từ thời thuộc địa”.

Theo AP, Hà Nội đã thay đổi mạnh gương mặt và người ta có thể thấy “những quán phở truyền thống bên đường nằm cạnh nhiều cửa hàng bán đồ xa xỉ phẩm hiệu Louis Vuitton và Escada. Trên phố đã xuất hiện nhiều chiếc xe mang thương hiệu cao cấp như BMW, Mercedes và Bentleys.

“Việt Nam đang tích cực xóa bỏ hình ảnh như một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh” - AP viết - “Với những cá nhân đã sống qua những năm khó khăn, thủ đô thực sự xứng đáng với cái tên lịch sử Thăng Long, tức rồng bay lên.

Đưa tin về lễ kỷ niệm, nhà báo Ian Timberlake của hãng tin AFP viết rằng “không có sự hiện diện của vũ khí hạng nặng trong cuộc diễu binh kéo dài 90 phút. Tuy nhiên cuộc diễu binh đã phát đi thông điệp nói rằng “Việt Nam không phải là nơi kẻ khác muốn tấn công”. AFP dẫn lời Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam ở Đại học New South Wales, Australia, cũng cho rằng việc tổ chức các lễ mừng lớn như sự kiện 1.000 năm Thăng Long Hà Nội đã “giúp tác động định hình bản sắc và niềm kiêu hãnh dân tộc”.

Hà Nội giữ được sự quyến rũ riêng

Trong bối cảnh hiện đại, Hà Nội vẫn giữ được sự quyến rũ riêng. Khi xếp Hà Nội đứng thứ 3 trong danh sách Top Destinations 2010 (Các điểm đến hàng đầu 2010), trang web Frommers (frommers.com) đã mô tả nơi đây là “một đô thị đang phát triển mạnh với một tâm hồn mang những nét đẹp có từ thời thuộc địa Pháp”. Với những ai chưa đến đây trong một thời gian dài, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều so với suy nghĩ của họ”.

Ảnh người dân Hà Nội mừng Đại lễ đăng trên AFP
Ảnh người dân Hà Nội mừng Đại lễ đăng trên AFP

Tờ New York Times đánh giá “với tư cách là một không gian đô thị, Hà Nội dường như đã thành công trong khi các đô thị khác ở châu Á thất bại, trong việc gắn kết sự phát triển với sự bảo tồn. Các quy định được ban hành đã giúp duy trì trung tâm thành phố có độ cao công trình thấp, nhiều cây xanh và vỉa hè rộng rãi. Rất nhiều biệt thự cổ tráng lệ có từ thời Pháp thuộc đã được bảo tồn và khu vực phố cổ, dù đông nghẹt du khách và các hoạt động thương mại, vẫn tồn tại. "Tôi rất tin tưởng rằng mọi thay đổi diễn ra trong khu trung tâm tới nay vẫn tốt" - Lawrie Wilson, một nhà hoạch định phát triển đô thị người Australia đã làm việc ở Việt Nam từ đầu những năm 1990 nhận xét.

Tờ Christian Science Monitor viết rằng tuần vừa qua, trong không khí đại lễ 1.000 năm Thăng Long đang diễn ra khắp nơi, “lần đầu tiên Việt Nam cho phép công chúng chiêm ngưỡng một số hiện vật khai quật được từ khu di tích Hoàng thành Thăng Long, vốn đã được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Zan-Hee Oh, một quan chức của Văn phòng UNESCO ở Hà Nội nói rằng khu di tích này là “giấy khai sinh” của Hà Nội.“Khu di tích rõ ràng đã công nhận sự thực rằng Hà Nội đã ngàn năm tuổi” - Zan nói.

Một số báo khác cũng đưa tin về lễ kỷ niệm, đồng thời nhân cơ hội để đánh giá cao các thành tích thủ đô Hà Nội đã đạt được. Đơn cử như trang tin Bloomberg cho biết “với 6,5 triệu người dân ở Hà Nội, tiêu chuẩn sống đã tăng lên trong vòng 2 thập kỷ qua”.

Tân Hoa Xã khi đưa tin Hà Nội mừng lễ kỷ niệm 1.000 năm đã trích lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói rằng hàng lớp lớp người Việt Nam đã “tiếp nối nhau kiên cường, chiến đấu, hiến dâng cho Thủ đô và Tổ quốc cuộc đời mình, cả tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc để bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên nguồn cội” và kêu gọi người dân tiếp tục đóng góp cho quá trình hiện đại hóa của Việt Nam.

Theo TT&VH

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.