Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo "Xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê toàn cầu và phát triển Dak Lak thành địa bàn kinh tế xanh trọng điểm"

17:44, 24/12/2010

Ngày 24-12, UBND tỉnh Dak Lak, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam và Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên phối hợp tổ chức Hội thảo "Xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê toàn cầu và phát triển Dak Lak thành địa bàn kinh tế xanh trọng điểm". Tham dự Hội thảo có các chuyên gia của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kiến trúc, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hội Khoa học lịch sử, cùng đại diện các sở ban ngành của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak Lữ Ngọc Cư; Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Trịnh Ngọc Thái và đại diện Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, Tổng Giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ chủ trì Hội thảo.

 
Theo ý tưởng xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê toàn cầu của Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, đây là một thành phố đặc trưng không tiền lệ trên bản đồ thế giới, không những lấy cà phê làm thương hiệu có sức quyến rũ toàn cầu mà còn thể hiện được hai nguyên lý căn bản của tinh thần cà phê vừa sáng tạo vừa bền vững, của một hình mẫu phát triển đô thị sinh thái mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên độc đáo. Với 170 nghìn hec-ta cà phê, Dak Lak được xem là nơi có năng suất vào loại cao nhất thế giới và góp phần chính trong việc đưa sản lượng cà phê Việt Nam lên vị trí số 2 (riêng cà phê Robusta chiếm vị trí số 1) của những quốc gia xuất khẩu cà phê. Ở Dak Lak gần như huyện nào cũng trồng cà phê nhưng Buôn Ma Thuột là thủ phủ của Dak Lak  và là trung tâm cà phê của tỉnh. Chính vì vậy thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột được thế giới biết đến và địa danh Buôn Ma Thuột được nhiều người ví như thủ phủ cà phê của Việt Nam. Buôn Ma Thuột có cơ sở chính đáng để tự xây dựng cho mình thương hiệu và hình ảnh của một thủ phủ cà phê toàn cầu, lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới nhằm minh chứng vị trí độc đáo của mình trên thương trường quốc tế mà có hàng nghìn đô thị khác đang cạnh tranh nhau để xây dựng tính khác biệt. Sự định vị này cực kỳ quan trọng vì sẽ tạo điều kiện để đưa thương hiệu Cà phê Việt Nam lên thế giới. Với thương hiệu này Việt Nam sẽ trở thành điểm hội tụ của cộng đồng trên 2,5 tỷ người yêu chuộng cà phê trên toàn cầu.

Tinh thần cà phê sẽ là kim chỉ nam cho chiến lược phát triển bền vững của Dak Lak thành một địa bàn phát triển nền kinh tế xanh trọng điểm, có nghĩa ngành cà phê vừa là động lực vừa là chủ lực phát triển bền vững. Địa bàn trọng điểm này sẽ tập trung phát triển ngành cà phê chất lượng cao để trở thành ngành chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh với một chiến lược xây dựng thương hiệu Cà phê Việt Nam dựa trên cơ sở một chương trình nâng cấp toàn diện ngành cà phê, cũng như các chương trình nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho nền nông nghiệp hiện đại. Ngoài ra, các lĩnh vực khác của chương trình hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn cũng sẽ được cấu trúc lại về mặt quy mô, lấy cơ chế phát triển sạch làm trọng tâm của hợp tác về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giáo sư sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo
Giáo sư Sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo
Bàn thảo về hai nội dung xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê toàn cầu và phát triển Dak Lak thành địa bàn kinh tế xanh trọng điểm, các chuyên gia kinh tế, các đại biểu đều đánh giá cao ý tưởng mới, độc đáo có tính đột phá này của Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên và của tỉnh Dak Lak. Dự án này đưa ra một cách nhìn mới, một cách tiếp cận mới về sự phát triển.
Giáo sư Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử khẳng định mô hình này thành công có tính khích lệ chung cho nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên bằng câu chuyện về hai loại thức uống cà phê và trà, Giáo sư nhấn mạnh điều làm nên thành công không thể không lưu tâm đến xúc tiến thương mại.
Để có được cái “xanh” của nền kinh tế Dak Lak, các đại biểu phân tích kinh tế xanh không chỉ xanh về môi trường, mà còn xanh về xã hội, công nghệ và con người. Vậy công nghệ, vốn, nhân lực ở đâu? Nếu không giải quyết tốt các câu hỏi này thì chỉ có thể xây dựng thủ phủ cà phê của Dak Lak chứ khó tiến tới mục tiêu thủ phủ cà phê toàn cầu và dự án chỉ trên giấy.
Trên cơ sở phân tích những tiềm năng, lợi thế của vùng, có đại biểu nhấn mạnh Dak Lak chỉ có con đường phát triển xanh. Trong đó lưu ý “xanh đầu vào, xanh đầu ra” và năng lượng xanh. Cà phê không đơn thuần là thức uống, là các chuỗi giá trị mà là tinh thần cà phê, là kết nối giao diện giữa con người với con người. Khi xây dựng thủ phủ cà phê toàn cầu, trong cái chung phải lưu ý cái riêng, có nghĩa toàn cầu hóa đến đâu đi nữa thì vẫn phải giữ cái riêng, làm ra sản phẩm nhưng ý nghĩa định vị lâu dài chính là bản sắc sau sản phẩm.
 Đàm Thuần
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.