Ưu tiên đầu tư phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc vừa được ban hành ngày 14-1. Trong đó, Chính phủ tiếp tục có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư và sử dụng nguồn lực; đầu tư phát triển kinh tế - xã hội bền vững; giáo dục và đào tạo; bảo tồn và phát triển văn hóa; chính sách cán bộ, người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Giao rừng cho cộng đồng quản lý bảo vệ góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Dak Lak |
Cụ thể, trong chính sách đầu tư và sử dụng nguồn nhân lực sẽ tập trung các giải pháp để đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng dân tộc và các vùng khác; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý nguồn lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ với chế độ đãi ngộ hợp lý.
Chính sách đầu tư phát triển bền vững đề ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển trường mầm non, trường phổ thông, dân tộc nội trú, bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề…nhằm đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Về chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số, Nghị định nêu rõ, ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số nhất thiết phải có cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số. Đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số, ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tập huấn, được hưởng chế độ đãi ngộ và các ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
Đối với công tác bảo tồn và phát triển văn hóa, Nghị định cũng quy định có chính sách hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong cộng dồng dân tộc Việt Nam; hỗ trợ việc gìn giữ và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết; định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc hằng năm…
Về chính sách y tế và dân số, Nghị định của Chính phủ nêu rõ yêu cầu phải tập trung xây dựng, củng cố, mở rộng cơ sở y tế, khám chữa bệnh; bảo đảm thuốc phòng và chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc