Diễn đàn hợp tác đầu tư tiểu vùng Mêkong 2012 – Cơ hội thúc đẩy đầu tư vùng Tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia
Ngày 9-11, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào - Campuchia tổ chức diễn đàn hợp tác đầu tư tiểu vùng Mêkong năm 2012.
Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp chính quyền cũng như các doanh nghiệp, doanh nhân trong vùng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia ngồi lại với nhau để nhìn nhận, đánh giá hiệu quả quan hệ đầu tư phát triển kinh tế trong vùng thời gian qua; đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư thời gian tới.
Nằm trong khu vực tiểu vùng sông Mêkong, Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng trong quan hệ hợp tác phát triển kinh tế nói chung giữa 3 nước, đồng thời đây cũng là khu vực đang được chính phủ 3 nước đặt nhiều quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển. Việc tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư vào khu vực này không những góp phần thúc đẩy kinh tế tại từng địa phương trong khu vực mà còn góp phần thắt chặt và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa các thành viên khu Tam giác nói riêng và của toàn khu vực với các đối tác nước ngoài nói chung.
Đầu tư thương mại sôi động
Thời gian qua, các bộ ngành và địa phương 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đã được đẩy mạnh ở cả cấp Nhà nước và cấp doanh nghiệp, nhờ đó các hoạt động đầu tư thương mại giữa các quốc gia Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia vẫn diễn ra rất sôi động.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài: Việt Nam hiện đang có 120 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng số vốn khoảng 2,64 tỷ USD, trong đó có 25 dự án đầu tư trong khu vực Tam giác phát triển với tổng vốn đầu tư 1,44 tỷ USD (chiếm 54,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam sang Campuchia). Trên đất nước Lào, Việt Nam đang triển khai thực hiện 218 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký khoảng 3,6 tỷ USD, trong đó có 50 dự án đầu tư vào khu vực tam giác với tổng vốn đầu tư 1,65 tỷ USD, vốn bình quân đạt 33,1 triệu USD/1 dự án.
Trong khi đó, tại 5 tỉnh của Việt Nam thuộc khu vực Tam giác phát triển hiện có 129 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD. Riêng Lào có 5 dự án với số vốn đăng ký 77,2 triệu USD và Campuchia có 2 dự án với số vốn đăng ký 18,2 triệu USD. Tuy nhiên, theo ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: mặc dù thời gian qua, trong khu vực tam giác phát triển đã đạt được một số kết quả thu hút đầu tư đáng khích lệ, nhưng những kết quả này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh cũng như mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa 3 nước.
Tăng cường các giải pháp thúc đẩy đầu tư
Phải làm gì để tăng cường hơn nữa hoạt động đầu tư vào khu vực tam giác phát triển? Đó là câu hỏi trọng tâm đặt ra tại diễn đàn hợp tác đầu tư lần này.
Ông Đặng Xuân Quang khẳng định: Về phần mình, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách khuyến khích và ưu đãi đối với địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trong đó có các tỉnh thuộc khu vực tam giác phát triển nằm trong diện được áp dụng chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư cao nhất. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đã có chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào các tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam. Do đó, các bên cần phối hợp trong việc xây dựng cơ chế chính sách để ưu tiên thu hút đầu tư từ các nước trong khu vực tam giác phát triển với nhau để phát huy lợi thế và nội lực của từng nước cũng như cả khu vực. Bên cạnh đó, các nước cũng cần phải phối hợp đẩy mạnh và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch tổng thể tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia đã được Chính phủ 3 nước thông qua…
Các đại biểu tham dự diễn đàn |
Trong khi đó, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh đầu tư của Việt Nam vào khu vực Tam giác phát triển, Tiến sỹ Cao Văn Bản, Trưởng ban thường trực Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia cho rằng: Trước hết cần phải hoàn thiện hệ thống thể chế và môi trường pháp lý của việt Nam hỗ trợ đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển. Trong đó cần sớm xây dựng và hoàn thiện luật pháp đầu tư ra nước ngoài và có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội như: hoàn thiện và phát triển hệ thống đường giao thông kết nối giữa 3 nước, xây dựng và triển khai chiến lược chung về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển hạ tầng kinh tế các dịch vụ khác như viễn thông, tài chính, ngân hàng, thương mại…
Nhiều ý kiến tại diễn đàn cũng đồng ý cho rằng các nước trong vùng cần nghiên cứu hình thành một vùng nguyên liệu có quy mô lớn để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cũng như xuất khẩu hàng hóa bám theo các trục giao thông nối liền các tỉnh trong khu vực và hướng ra biển. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của 3 nước việt Nam – Lào – Campuchia cần đẩy nhanh việc thực hiện chương trình kết nối và thông thương liên vận về người cũng như hàng hóa giữa 3 nước thông qua tuyến đường 13 từ Nam Lào qua Campuchia và về Việt Nam để tạo thuận tiện giao lưu hàng hóa giữa các nước…
Đánh giá về hiệu quả của quá trình hợp tác đầu tư giữa các nước trong khu vực Tam giác phát triển, ông Đinh Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Lào và Campuchia là hai địa bàn đầu tư lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này trước hết phản ánh tiềm năng đầu tư to lớn giữa các nước trong vùng cũng như hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư; mặt khác thể hiện sự tin tưởng vào việc làm ăn lâu dài của các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài. Diễn đàn hợp tác đầu tư tiểu vùng Mêkong lần này chính là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trong khu vực tiểu vùng Mêkong, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng trao đổi thảo luận, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác thời gian qua, đồng thời kiến nghị các giải pháp khai thác tối đa các tiền năng và nguồn lực để cùng nhau phát triển. "Việt Nam đặc biệt quan tâm và coi trọng việc hợp tác phát triển giữa các nước thuộc tiểu vùng Mêkong, trong đó đặc biệt là với Campuchia và Lào. Chính phủ Việt Nam đã có chính sách khuyến khích ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào các địa phương có chung đường biên giới với Việt Nam. Việc hợp tác đầu tư trong khu vực không chỉ để các nước cùng nhau phát triển về kinh tế mà còn thúc đẩy hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển văn hóa xã hội, bảo đảm an ninh trong khu vực và tăng cường vị thế của khu vực trên trường quốc tế"… - ông Thu nhấn mạnh.
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc