Tai nạn giao thông tăng cao: Vẫn do ý thức kém khi tham gia giao thông
Ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân còn kém vẫn là một trong những nguyên nhân chính khiến tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh tăng cao trong thời gian qua. Đó là ý kiến được đề cập nhiều nhất tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II do UBND tỉnh tổ chức sáng nay. Ông Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak Hoàng Trọng Hải phát biểu tổng kết hội nghị. (Ảnh: Hoàng Gia) |
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Hoàng Gia) |
Những nguyên nhân khiến TNGT tăng cao trong thời gian qua được các đại biểu tham dự hội nghị tập trung phân tích. Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng Phòng CSGT-CA tỉnh thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của lực lượng CSGT trong việc để TNGT tăng cao thời gian qua. Ông Đức cho rằng, bên cạnh việc thiếu nhân vật lực trong việc kiểm soát giao thông, vẫn còn xảy ra tình trạng CSGT xử lý vi phạm chưa nghiêm, còn nhẹ tay do nể nang, quen biết. Các cơ quan, địa phương cũng chưa phối hợp xử lý vi phạm cán bộ, nhân viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bằng chứng là trong thời gian qua, lực lượng CSGT thông báo 4.286 trường hợp vi phạm về các cơ quan, đơn vị, tổ dân phố thì chỉ nhận được phản hồi về 444 trường hợp. Cũng theo ông Đức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông còn kém bởi trong số các nguyên nhân xảy ra TNGT được thống kê, hầu hết đều bắt nguồn từ lỗi của người tham gia giao thông như: đi không đúng phần đường, làn đường; không chú ý quan sát; vượt sai quy định; chuyển hướng không bảo đảm an toàn; chạy quá tốc độ quy định… Để khắc phục tình trạng này, ông Đức cho rằng, trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông, không thể đề ra và quán triệt bằng văn bản chung chung mà cần phải có những hành động cụ thể. Trong thời gian qua, lực lượng CSGT tập trung tuyên truyền theo hướng trực tiếp đến người dân như: phổ biến về các quy tắc khi tham gia giao thông cho đối tượng học sinh; dùng xe loa, xe tuần tra kiểm soát tuyên truyền trực tiếp; nói chuyện chuyên đề trực tiếp tại các thôn, buôn, các địa phương “nóng” về TNGT… Đề xuất giải pháp nhằm kiềm chế TNGT, bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới, ông Đức cho rằng tỉnh cần xây dựng kế hoạch vận động toàn dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể; chú trọng công tác kiểm tra kết quả triển khai, thực hiện các văn bản, chỉ thị về bảo đảm trật tự ATGT tại từng thôn, buôn, chi bộ, kiểm tra và chấn chỉnh những bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, tăng cường phổ biến pháp luật đối với đội ngũ lái xe vận tải, tăng cường kiểm tra việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đồng thời có kế hoạch sử dụng hiệu quả thiết bị này trong kiểm soát giao thông…
Tai nạn giao thông tăng cao vẫn chủ yếu do ý thức kém của người tham gia giao thông (Ảnh: Hoàng Gia) |
Đồng tình với ý kiến cho rằng nguyên nhân TNGT chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông còn kém, ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định, thực tế có những người biết luật nhưng cố tình không chấp hành và có những người có thể chưa nắm rõ luật. Vì thế, cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương pháp nhằm giúp người tham gia giao thông, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nắm rõ những quy định của Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, nhất là tại những tuyến đường trọng điểm và vào thời gian dễ gây TNGT như giờ cao điểm, ban đêm.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh cần phải triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nhằm bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn, kéo giảm TNGT trong thời gian tới. Trong đó, tăng cường công tác quản lý, tuần tra kiểm soát để ngăn chặn tai nạn xe khách như: kiểm tra, quản lý doanh nghiệp vận tải hành khách bảo đảm đủ điều kiện kinh doanh, quản lý chặt chẽ luồng tuyến, an toàn xe xuất bến; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm lái xe khách, tập trung xử lý các lỗi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn; chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung xử lý tình trạng xe chở quá khổ, quá tải trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ trọng điểm; tăng cường quản lý công tác đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe… Song song với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông.
Trong quý I, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 34.692 trường hợp, xử phạt 34.860 trường hợp, tước giấy phép lái xe 1.751 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 13,4 tỷ đồng; chỉ riêng trong dịp Tết nguyên đán Quý Tỵ, lực lượng CSGT tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 2.753 trường hợp vi phạm, nhắc nhở 617 trường hợp. Đặc biệt, từ ngày 15-11-2012 đến 17-1-2013, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tư pháp, Sở Y tế đã tổ chức kiểm tra hơn 300 lái xe, qua đó đã phát hiện 8 lái xe có kết quả xét nghiệm dương tính với chất ma túy.
|
Ý kiến bạn đọc