Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam là quốc gia đầu tiên chi trả dịch vụ môi trường rừng ở châu Á

10:41, 24/06/2010

Các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc trở thành nước tiên phong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường (PES) tại Hội nghị Katoomba XVII Đông Nam Á 2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Forest Trends và Winrock International đồng tổ chức diễn ra tại Hà Nội vào sáng 23-6.

Hội nghị thảo luận tình hình hiện tại và tiềm năng cho thị trường PES trong khu vực, bao gồm các sáng kiến tiên phong trong thị trường bảo vệ nguồn nước, hấp thụ CO2 từ rừng cũng như từ biển và thị trường đa dạng sinh học. Những sáng kiến này cùng với REDD có khả năng làm giảm phát thải CO2 toàn cầu, tránh được biến đổi khí hậu nghiêm trọng và giúp bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Hội thảo cũng đã tập trung vào các vấn đề như làm thế nào để xác định người mua tiềm năng, làm thế nào để xây dựng hợp đồng; làm thế nào để phân chia lợi ích một cách công bằng tới cộng đồng; làm thế nào để giám sát các cơ chế để đảm bảo phân phối hiệu quả các dịch vụ và làm thế nào để đảm bảo rằng các cơ chế chi trả được bền vững...

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện rừng ở Việt Nam có tác động trực tiếp đến đời sống của khoảng 25 triệu người trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong những hướng đi quan trọng thực hiện mục tiêu quy hoạch khoảng 44% diện tích của quốc gia cho phát triển lâm nghiệp. Bên cạnh đó, phần lớn những người cung cấp dịch vụ môi trường rừng là người nghèo vì thế PES sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho người có thu nhập thấp nâng cao mức thu nhập của mình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và ban hành chính sách để thực hiện các vấn đề này trong nhiều năm qua. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10-4-2008 về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chính sách này đến nay sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm ở Lâm Đồng và Sơn La đã đạt được thành công, và được sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc, là căn cứ để Chính phủ chuẩn bị ban hành chính sách thực hiện trong cả nước.

Chính phủ đã xác định việc bảo vệ và phát triển rừng phải gắn liền với xóa đói giảm nghèo và đẩy mạnh việc xã hội hóa nghề trồng rừng, thu hút các nguồn lực của xã hội cho nhiệm vụ quan trọng này và là lý do Việt Nam ban hành PES. Đây là một trong những chính sách trọng tâm, chủ đạo của Chính phủ về lâm nghiệp, coi việc bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, sự đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng tạo ra các giá trị sử dụng của môi trường rừng, các giá trị này được đưa ra cung ứng, dịch vụ cho nhu cầu xã hội theo nguyên tắc thị trường, mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được sử dụng và hưởng thụ dịch vụ này phải trả tiền cho những người trực tiếp cung ứng dịch vụ.

Thủ tướng đã giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì cùng các bộ có liên quan xây dựng một Nghị định của Chính phủ về PES để thực hiện trong cả nước. Đây sẽ là văn bản có hiệu lực pháp luật cao hơn, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo. Nghị định sẽ được ban hành vào đầu quý II-2010.

Thực tế cho thấy, PES đã tạo ra định hướng đổi mới quan trọng nhằm phát triển thị trường dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam, chuyển nền lâm nghiệp phát triển phù hợp với quy luật của nền kinh tế hàng hóa, phát huy các giá trị cơ bản của nền lâm nghiệp về kinh tế - xã hội - môi trường - đa dạng sinh học - cảnh quan thiên nhiên, góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững và trường tồn của đất nước.

Ông Michael Jenkins, Chủ tịch tổ chức Fores Trends khẳng định Hội nghị được tổ chức tại thời điểm này rất phù hợp, bởi sắp tới sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Kopenhanhen về biến đổi khí hậu tại Đan Mạch. Hội nghị sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để bảo vệ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và cải thiện sinh kế. Đồng thời thúc đẩy những nỗ lực học hỏi lẫn nhau.

Theo Môi trường Online


Ý kiến bạn đọc