Hệ lụy kép từ thuốc lá nhập lậu
Không chờ tới khi tham gia Công ước Khung kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (FCTC), Việt Nam đã có nhiều hoạt động rất cụ thể và quyết liệt nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân như hạn chế sản xuất, quảng cáo lẫn sử dụng thuốc lá.
Điều 4, khoản 2 trong Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đề xuất: Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, thực tế khi tăng thuế - giá thuốc hợp pháp tăng - người tiêu dùng sẽ tìm đến thuốc lá lậu giá rẻ do trốn thuế và điều này khiến việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá khó đạt được mục tiêu mong muốn. Vì vậy, bên cạnh việc quản lý chặt ngành thuốc lá trong nước (thông qua tăng thuế, hạn chế sản xuất thuốc lá…) thì công tác chống thuốc lá nhập lậu cần được tăng cường tương xứng để có thể chủ động quản lý thị trường thuốc lá trong nước theo hướng phòng, chống tác hại thuốc lá.
Nhiều thủ đoạn buôn lậu thuốc lá tinh vi
Ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết: trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ 4.500-4.800 triệu bao thuốc lá. Trong đó phần sản xuất hợp pháp từ các doanh nghiệp trong nước là 3.600-4.000 triệu bao, còn lại là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá bất hợp pháp. Tuy nhiên, lượng thuốc lá lậu bắt giữ được của các cơ quan chức năng còn rất khiêm tốn. Năm 2006 có 4,8 triệu bao thuốc lá lậu bị bắt giữ. Năm 2007 con số này là 7,5 triệu bao và trong 10 tháng của năm 2011 là 6,8 triệu bao. So với khoảng 600-800 triệu bao thuốc lá lậu được nhập khẩu hàng năm, số lượng bị bắt giữ chiếm chưa đến 1%. Thực tế khiêm tốn này cũng khiến nhà nước thất thu tiền thuế khoảng 3.800 tỷ đồng/năm (tính theo mức giá của sản phẩm nhập lậu phổ biến là Jet và Hero). Theo tính toán của ông Nghiệp, một thùng thuốc lá (500 bao) nhãn hiệu JET có nguồn gốc tại Campuchia (đã bao gồm các loại thuế) có giá là 127 USD/thùng, tương đương 5.330 đồng/bao. Tuy nhiên khi vận chuyển tới khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia đã có giá là 10.000 đồng/bao. Nhưng bao thuốc đó, khi được người tiêu dùng mua tại các quầy tạp hóa, quán hàng nước đã có giá lên tới 16.000-17.000 đồng/bao. Với mức lợi nhuận cao tới 60-70%, có thể nói cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá còn rất gian truân. Tình hình buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi và đa dạng trên các tuyến biên giới, tuyến biển và trong nội địa. Nạn thuốc lá lậu đã làm giảm các nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc lá điếu trong nước, khiến 52.000 lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng và 2.200 lao động ngành công nghiệp thuốc lá mất việc làm.
Xe chở thuốc lá cấm bị giữ tại kho chi cục Quản lý thị trường Dak Lak |
Hiện nay, mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với thuốc lá là 65% giá xuất xưởng và 10% thuế giá trị gia tăng (tương đương với 45% giá bán lẻ) là nguồn thu tài chính không nhỏ đối với ngân sách nhà nước, cũng như công tác chống buôn lậu. Vì vậy, nếu tăng thuế thuốc lá trong nước mà công tác chống buôn lậu thuốc lá không được chú trọng tương xứng thì có thể dẫn đến tình trạng thuốc lá nhập lậu chiếm ưu thế trên thị trường, sản xuất của doanh nghiệp hợp pháp giảm, thu ngân sách bị ảnh hưởng.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc