Hội thảo lập kế hoạch hoạt động liên ngành tuyến tỉnh, huyện phòng chống bệnh truyền nhiễm
Sáng 9-10, Ban Quản lý Dự án phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông giai đoạn 2 đã tổ chức Hội thảo lập kế hoạch hoạt động liên ngành tuyến tỉnh, huyện phòng chống bệnh truyền nhiễm. Tham dự Hội thảo có đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo phòng Y tế, Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa của các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Năng, Lak và TP. Buôn Ma Thuột.
Theo báo cáo tại Hội thảo, mặc dù những năm qua tỉnh Dak Lak đã có những thành quả nhất định trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm như: 10 năm liền không có trường hợp mắc bệnh dịch hạch; đã thanh toán bệnh bại liệt; các bệnh bạch hầu, sởi, ho gà giảm rõ rệt… Tuy nhiên, một số bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A/H5N1 vẫn diễn biến phức tạp. Với diễn biến tình hình dịch bệnh chung của cả nước và của tỉnh trong thời gian qua, dự báo trong năm 2013 dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, việc kiểm soát vận chuyển giết mổ gia cầm gặp nhiều khó khăn, người dân còn chủ quan vẫn giết mổ và sử dụng gia cầm mắc bệnh nên nguy cơ mắc cúm A/H5N1 trong cộng đồng luôn tiềm ẩn; bệnh tay chân miệng đã và đang lưu hành trên diện rộng, các biện pháp phòng chống không đặc hiệu, hiệu quả không cao, việc nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân còn khó khăn; thói quen tích trữ nước dài ngày của người dân là điều kiện để bệnh sốt xuất huyết nảy sinh…
Ngành Y tế phun hóa chất diệt muỗi tại các khu dân cư phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. |
Trước tình hình này, kế hoạch phòng chống dịch năm 2013 sẽ hướng tới mục tiêu: giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyển nhiễm; khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra; giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đối với đời sống kinh tế-xã hội trên địa bàn. Dự kiến kinh phí phòng chống dịch năm 2013 khoảng trên 13 tỷ đồng; trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương là 4,3 tỷ đồng, còn lại là kinh phí từ các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, dự án phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và sự hỗ trợ của Bộ Y tế, tuyến Trung ương. Các giải pháp triển khai kế hoạch gồm: Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe của các tuyến huyện, xã tăng cường sự chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể, có kế hoạch triển khai công tác phòng chống dịch trên địa bàn; thành lập tổ tư vấn chuyên môn trong các lĩnh vực chẩn đoán điều trị, phòng chống dịch tại tuyến tỉnh, huyện để tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp chuyên môn kỹ thuật; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương; đầu tư tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch; tăng cường công tác chuyên môn kỹ thuật cho hoạt động phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống các bệnh truyền nhiễm…
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc