Hội thảo các giải pháp hạn chế xung đột giữa voi rừng và người trên địa bàn tỉnh
Ngày 19-7, tại huyện Ea Súp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi của tỉnh và UBND huyện Ea Súp tổ chức Hội thảo về các giải pháp hạn chế sự xung đột giữa người và voi rừng. Tham gia Hội thảo có các cơ quan chức năng của tỉnh, các ban ngành liên quan, Vườn Quốc gia Yook Đôn, các doanh nghiệp lâm nghiệp, các công ty có dự án bảo vệ phát triển rừng và các đồn biên phòng của 2 huyện Ea Súp, Buôn Đôn.
Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn voi, hiện Dak Lak có 5 đàn voi hoang dã với số lượng khoảng từ 60 – 70 cá thể. Các đàn voi này chủ yếu tập trung ở một số địa bàn của huyện Ea Súp và Vườn Quốc gia Yook Đôn; chúng chia thành nhiều bầy đàn nhỏ lẻ và hoạt động theo bản năng hoang dã, thức ăn chủ yếu là ngô, chuối, đậu, mía, lúa… Vì vậy đàn voi thường di chuyển đến các nương rẫy để phá hoại, có thời điểm chúng còn di chuyển sang cả đất Campuchia. Chỉ trong 3 năm (từ 2011 – 2013), voi rừng đã phá hoại 79,6 ha lúa và hoa màu thuộc 3 huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo; trong đó thiệt hại nặng nhất vẫn là 2 xã vùng sâu biên giới của huyện Ea Súp là Ia R’vê và Ya Lốp.
Lý giải về việc voi rừng phá hoại lúa và hoa màu ở nhiều nơi, theo ngành chuyên môn, do tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy… đã làm cho voi bị mất dần môi trường sinh sống. Bên cạnh đó nạn săn bắn voi rừng để lấy ngà và lông đuôi voi vẫn thường xuyên xảy ra. Tính từ năm 2009 đến nay đã có 17 cá thể voi rừng bị chết, trong đó có 2 con bị bắn, số khác chết chưa rõ lý do (tuy nhiên yếu tố voi đói khát và chết vẫn không loại trừ), đã có 2 người bị voi rừng quật chết. Từ chỗ môi trường sinh sống của voi bị xâm phạm, hiệu quả từ sản xuất của người dân bị phá hoại, đã xảy ra tình trạng xung đột giữa voi và người; trong đó xung đột tập trung hầu hết tại các xã của huyện Ea Súp.
Các đại biểu dự Hội thảo đã tham gia đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng xung đột giữa voi rừng và người như: tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng làm nương rẫy; đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét trước khi chuyển đổi đất rừng, thu hồi các dự án thuê rừng sai mục đích không hiệu quả; điều tra làm rõ các vụ săn bắn giết hại voi; xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành chức năng và Bộ đội Biên phòng, thành lập các tổ bảo vệ ở cơ sở nơi có voi rừng thường đi qua, có chế độ chính sách bảo đảm cho lực lương này hoạt động; thực hiện nghiêm Quyết định 763/TTg ngày 21-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020”.
Phan Ba
Ý kiến bạn đọc