Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh chỉ đạo: Ngăn ngừa tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động trái pháp luật

10:37, 04/08/2014

UBND tỉnh vừa có Công văn số 5215/UBND-VHXH về việc ngăn ngừa tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động trái pháp luật.

Theo đó, yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh tiến hành rà soát nắm chắc tình hình trẻ em nghỉ học, bỏ học đi lao động ở ngoài tỉnh và những em đã trở về gia đình. Trên cơ sở đó phối hợp kiểm tra, xác minh những trẻ em tham gia lao động và tình hình sử dụng lao động trẻ em của các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân, có biện pháp can thiệp, hỗ trợ cho các em trở về gia đình an toàn; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện và động viên những học sinh đã bỏ học đi học trở lại; có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng cho những học sinh yếu; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của những đối tượng dụ dỗ trẻ em bỏ học, môi giới đưa trẻ em đi lao động trái pháp luật.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, các phòng, ban liên quan, UBND cấp xã tăng cường thông tin, tuyên truyền những quy định của pháp luật về  lao động trẻ em như Luật Lao động, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…; phổ biến tình hình trẻ em bị dụ dỗ đi lao động cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhân dân được biết để nâng cao cảnh giác; điều tra, theo dõi, nắm bắt thông tin những đối tượng môi giới đưa trẻ em đi lao động trái pháp luật để có biện pháp giáo dục, răn đe; có kế hoạch động viên, hỗ trợ kịp thời cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có trẻ em đi lao động ngoài tỉnh, đặc biệt là những em đã trở về để các em được ổn định, sớm tiếp tục đến trường…

Trước đó, Báo Dak Lak đã có thông tin phản ánh tình trạng từ sau Tết Âm Lịch 2014, tại các huyện Krông Bông, Lak và một số địa phương khác xuất hiện tình trạng học sinh ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn bị “cò mồi” dụ dỗ bỏ học đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, các em phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm với mức lương 18 triệu đồng/năm, nếu bỏ việc giữa chừng sẽ không được thanh toán tiền công.

 Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.