Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm cơ cấu lao động cho các cơ sở y tế

16:12, 21/01/2015

Sáng 21-1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2014, kế hoạch năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Tham dự tại điểm cầu Dak Lak có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm cùng lãnh đạo các sở, ngành hữu quan và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2014, toàn ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu và tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, ngành đã hoàn thành 2/2 chỉ tiêu Quốc hội giao với số giường bệnh trên một vạn dân đạt 23 giường (chỉ tiêu giao là 22,5 giường), giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống 15% (chỉ tiêu giao dưới 15,5%). Đồng thời, đạt 16/18 chỉ tiêu theo kế hoạch 5 năm 2011-2015. Hai chỉ tiêu chưa đạt là tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi (chỉ tiêu giao 21%o, thực hiện 22,4%o) và tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế (chỉ tiêu giao 73%, thực hiện 70,8%).

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Dak Lak.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Dak Lak.

Năm 2015, ngành Y tế sẽ tập trung hoàn chỉnh để trình Quốc hội thông qua Luật Dược (sửa đổi) theo hướng ưu tiên, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất thuốc trong nước để người dân được hưởng thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý; tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, thực hiện được mục tiêu không để dịch lớn xảy ra; triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020. Bên cạnh đó, duy trì thành quả Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng về thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt chú trọng vào 3 chỉ tiêu: tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi; tỷ suất tử vong trẻ  em dưới 1 tuổi và tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống; thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm bảo đảm mức sinh thấp, hợp lý và giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng giai đoạn “dân số vàng” đối với phát triển kinh tế và đề xuất các chính sách y tế để thích ứng với “già hóa dân số”. Đồng thời, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh đào tạo cử tuyển theo địa chỉ và mở rộng các hình thức đào tạo nhằm bảo đảm nhân lực, số lượng, cơ cấu lao động cho các cơ sở y tế trong thời gian tới…

PHó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, đổi mới trong điều trị mặc dù chưa hoàn chỉnh nhưng đó là bước tiến quan trọng, mang lại hiệu quả rõ rệt. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, Bộ Y tế cần tiếp tục phát huy cách làm này và có đánh giá, bổ sung hoàn thiện theo từng năm; thực hiện tốt 12 nhóm nhiệm vụ đề ra với tinh thần kế thừa những thành quả đã đạt được của những năm trước đây, làm sao cung cấp dịch vụ y tế đến người dân ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế tiếp tục rà soát, khắc phục các nguyên nhân gây quá tải bệnh viện không phải do thiếu kinh phí đầu tư như khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế, các bệnh viện không trao đổi kết quả với nhau dẫn đến người bệnh phải khám đi khám lại. Đối với vấn đề Bảo hiểm y tế, đồng chí mong muốn các địa phương cùng nhau chung sức vận động nhân dân tham gia nhằm tăng diện bao phủ BHYT, thực hiện tốt mục tiêu huy động số đông giúp đỡ những người không may bị bệnh được chữa trị, chăm sóc sức khỏe…

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.