Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo Xúc tiến đầu tư, Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao vùng Tây Nguyên

16:33, 19/03/2016

Trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên năm 2016, sáng 19-3 tại Khu Du lịch Sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội thảo Xúc tiến đầu tư, Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao do UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN tổ chức. Tham dự Hội thảo, về phía tỉnh Đắk Lắk có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh và lãnh đạo một số đơn vị liên quan của tỉnh.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Gia

Các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã được các nhà quản lý, khoa học và doanh nghiệp đưa ra bàn thảo. Trong đó, nổi lên các tham luận: “Quản lý, bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch, trồng và phát triển cây dược liệu, kết hợp chăn nuôi công nghệ cao” của TS Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu, thực phẩm Măng Đen; “Thực trạng và tiềm năng phát triển Sâm Ngọc Linh” của ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô; “Mô hình liên kết phát triển nông nghiệp giữa Việt Nam-Australia” của ông Lý Hoàng Duy, Tổng Giám đốc Công ty FOR Ways Fresh Produce; “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế” của bà Huỳnh Đinh Hà Giang, Giám đốc Công ty TNHH BIOPHAP; “Mô hình Du lịch Nông nghiệp công nghệ cao-Hướng phát triển du lịch kết hợp với phát triển nông nghiệp” của Th.s Nguyễn Tố Như, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum… thu hút được sự quan tâm, chia sẻ của các đại biều tham dự hội thảo.

a
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Trần Quốc Cường phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Gia

Tại hội thảo, ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có bài tham luận “ Nông nghiệp công nghệ cao-tiềm năng đầu tư, phát triển tại Đắk Lắk-Tây Nguyên”; khẳng định ngành nông- lâm nghiệp-thủy sản chiếm một vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế Đắk Lắk. Đặc biệt các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, ca cao…luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của địa phương cũng như toàn vùng Tây Nguyên. Chính vì vậy Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU "Về việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp", xem đó là nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa của địa phương. Theo ông Cường, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, các tỉnh cùng bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu những chính sách, biện pháp phát triển công nghệ cao để áp dụng phù hợp với thực tiễn của từng vùng-miền; sớm hoàn thành hệ thống văn bản, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự thủ tục công nhận doanh nghiệp và dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, đi cùng với việc hỗ trợ vốn, ưu đãi chính sách đối với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thì công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cần phải được thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa và xem đó là vấn đề then chốt để bảo đảm thành công- từ khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và phân phối… hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, xuất xứ, an toàn thực phẩm theo tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...

A
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Trần Quốc Cường (thứ 2 từ trái qua) nhận quà lưu niệm của tỉnh Kon Tum. Ảnh: Hoàng Gia

Cũng tại Hội thảo này đã có 6 doanh nghiệp được UBND tỉnh Kon Tum trao quyết định để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với tổng số vốn gần 300 tỷ đồng.

Đình Đối

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.