Lễ tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến hy sinh và đồng bào làng Lạc Giao tử nạn năm Ất Dậu 1945
Sáng 14-12 (nhằm ngày 27-10 năm Đinh Dậu), tại Di tích lịch sử văn hóa Đình Lạc Giao (TP. Buôn Ma Thuột), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý di tích đã tổ chức Lễ tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến hy sinh và đồng bào tử nạn năm Ất Dậu (1945).
Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo TP. Buôn Ma Thuột cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn thành phố.
Các đại biểu tham dự buổi lễ. |
Theo diễn văn tại buổi lễ, sau khi nước ta giành độc lập, tháng 11-1945, thực dân Pháp trở lại gây hấn, đánh chiếm Tây Nguyên và Nam Kỳ. Lúc này, hàng nghìn người con ưu tú theo tiếng gọi của Tổ quốc đã hành quân Nam tiến, tiếp sức cho đồng bào miền Nam. Trong đó, Chi đội Vi Dân do đồng chí Vi Dân làm Chi đội trưởng đã vào “chia lửa” với chiến trường Buôn Ma Thuột.
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ 100 chiến sĩ Nam tiến đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập dân tộc và đồng bào làng Lạc Giam tử nạn năm 1945. |
Ngày 1-12-1945 (tức ngày 27-10 năm Ất Dậu), trong khi người dân Buôn Ma Thuột đang sinh hoạt bình thường, Chi đội Vi Dân vừa vào đến nơi đang nghỉ ngơi sau chặng đường dài vất vả thì quân Pháp tràn vào. Quân ta đã anh dũng chống trả, nhưng do không kịp phòng bị, vũ khí, quân số đều thua kém nên 100 chiến sĩ tuổi đời không quá 30 đã hy sinh tại đồn Bảo An binh (nay là số 05 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột). Đồng bào làng Lạc Giao, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em tử nạn rất nhiều trong trận đánh này.
Tuổi trẻ các dân tộc trong tỉnh dâng hương tỏ lòng biết ơn các Anh hùng liệt sỹ và tưởng niệm những đồng bào tử nạn năm 1945. |
Khâm phục trước tấm gương anh dũng để bảo vệ quê hương của 100 chiến sĩ Nam tiến và thương tiếc đồng bào tử nạn, nhân dân làng Lạc Giao đã lấy ngày ngày 27-10 âm lịch hằng năm làm giỗ; xây dựng Đài tưởng niệm để tưởng nhớ và tri ân 100 chiến sĩ Nam tiến tại nơi các anh hy sinh (số 05 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột ngày nay). Năm 2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận Đài tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến tại TP. Buôn Ma Thuột là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Tại lễ tưởng niệm, các đại biểu, các bô lão và nhân dân trên địa bàn thành phố đã tổ chức cầu siêu, rước linh, dâng những nén hương thành kính tới các liệt sỹ và đồng bào tử nạn năm 1945. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên để tưởng nhớ các chiến sĩ Nam tiến đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc; đồng thời, giáo dục cho thế hệ mai sau về truyền thống "Anh hùng cách mạng" và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc