Chủ động ứng phó với thiên tai
UBND tỉnh vừa ban hành Phương án ứng phó thiên tai năm 2019 trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Theo đó, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh yêu cầu tất cả các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chổ) và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hiệu quả"; nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro thiên tai; tập huấn nâng cao năng lực, trình độ về công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai cho cán bộ làm công tác này; tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó kịp thời đến với đông đảo người dân; bảo đảm an toàn cho các công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn, vừa và các hồ gần khu dân cư đông đúc, cơ sở chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng quan trọng ở vùng hạ du...
Người dân thu hoạch lúa bị ngập lụt ở huyện Krông Ana. (Ảnh minh họa) |
UBND tỉnh dự kiến sẽ huy động lực lượng khoảng 10.000 người cùng nhiều phương tiện từ các sở, ngành, đơn vị từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã tham gia công tác phòng, tránh, ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Theo thống kê của UBND tỉnh, trong năm 2018, thiên tai trên địa bàn tỉnh đã khiến 4 người chết, 5 người bị thương, 1.832 ngôi nhà, 17 trường học bị tốc mái, hư hỏng, hơn 11 nghìn ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng; ước tính tổng thiệt hại 253,2 tỷ đồng.
Bảo Ngọc
Ý kiến bạn đọc