Multimedia Đọc Báo in

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại huyện M'Đrắk và Ea Kar

08:18, 06/03/2019

Ngày 5-3, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018 tại huyện M’Đrắk và Ea Kar.

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh và lãnh đạo UBND huyện M’Đrắk và Ea Kar.

Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại buôn Hai, xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk.
Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại buôn Hai (xã Cư M'ta, huyện M'Đrắk).

Huyện M’Đrắk có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại 12 xã, 1 thị trấn, nhưng có tới 11 xã đặc biệt khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018, huyện đã huy động và lồng ghép các chương trình cho mục tiêu giảm nghèo trên 80 tỷ đồng để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Cụ thể đã hỗ trợ đầu tư 141 cơ sở hạ tầng, xây dựng 55 mô hình phát triển sản xuất, cùng với đó là hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, giai đoạn năm 2012-2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân từ 3-4%/năm; giai đoạn 2016-2018 giảm bình quân từ 5-5,5%, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao, hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 34,53%.

Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại buôn M’Um, xã Cư Prông, huyện Ea Kar.
Đoàn giám sát kiểm tra thực tế công tác giảm nghèo tại buôn M'um (xã Cư Prông, huyện Ea Kar).

Huyện Ea Kar có 37.063 hộ, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 28,25%. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2018, bên cạnh việc huy động nguồn lực cho chương trình được 63,22 tỷ đồng, huyện cũng đã ban hành và lồng ghép nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo để thoát nghèo bền vững như: ưu đãi vay vốn sản xuất - kinh doanh; vận động hộ dân tham gia các mô hình phát triển kinh tế gia đình… Tỷ lệ hộ nghèo của huyện hằng năm giảm hơn 3%; hiện nay toàn huyện chỉ còn 4.980 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,44%. Kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất năm 2018 hơn 8.725 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm trước. Toàn huyện đã đạt được 205 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 14,64; 2/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại những nơi làm việc, đại diện huyện M’Đrắk và Ea Kar cũng nêu ra một số khó khăn, hạn chế như: công tác chỉ đạo, theo dõi và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững trên địa bàn chưa thường xuyên; chương trình về dự án giảm nghèo còn phân tán, trùng lặp, tính lồng ghép chưa cao, chưa có các chính sách giảm nghèo đặc thù và phù hợp với từng nhóm hộ nghèo; một số đơn vị cấp xã chưa chú trọng công tác tuyên truyền các chính sách thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; còn một bộ phận hộ nghèo thiếu ý thức vươn lên, còn trông chờ vào chính sách giúp đỡ của Nhà nước.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê phát biểu kết luận buổi làm việc tại huyện M’Đrắk.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê phát biểu kết luận buổi làm việc tại huyện M'Đrắk.

Phát biểu tại những nơi làm việc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê đánh giá cao những kết quả mà UBND huyện M’Đrắk và Ea Kar đạt được trong thời gian qua. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương của huyện M’Đrắk và Ea Kar cần chỉ đạo thống nhất, quyết liệt hơn nữa đối với các chính sách giảm nghèo; thường xuyên đánh giá hiệu quả chương trình giảm nghèo để có những đề xuất điều chỉnh cho phù hợp thực tế;  lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, tránh chồng chéo và huy động mọi nguồn lực, tạo công ăn việc làm cho nhân dân để đạt mục tiêu giảm nghèo. Bên cạnh đó, các huyện cần phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản và xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tích cực huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi người dân về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững...

Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.