Multimedia Đọc Báo in

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát tại huyện Buôn Đôn và UBND tỉnh

19:27, 06/03/2019

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 6-3, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê làm Trưởng Đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018 tại huyện Buôn Đôn.

Huyện Buôn Đôn có 16.176 hộ (68.048 khẩu), trong đó dân tộc thiểu số chiếm 48,3%. Trong giai đoạn 2012-2018, huyện đã huy động và lồng ghép các chương trình cho mục tiêu giảm nghèo gần 72 tỷ đồng để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Từ nguồn kinh phí này đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho gần 1.500 hộ nghèo, cận nghèo với số tiền trên 13,3 tỷ đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 58 tỷ đồng để xây mới 101 công trình (đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng…), duy tu, bão dưỡng 19 công trình… Nhờ đó từ 5.255 hộ nghèo năm 2012, huyện Buôn Đôn giảm còn 3.138 hộ (năm 2015); giai đoạn 2016-2018, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 6.484 hộ xuống còn 6.115 hộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: nguồn vốn của chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; đa phần các hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 là hộ nghèo nên việc đối ứng một phần kinh phí tham gia dự án còn khó khăn; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa đồng bộ, chưa có sự lồng ghép giữa các nguồn lực khác...

Đoàn giám sát đi kiểm tra thực tế công tác giảm nghèo tại buôn Tul B, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.
Đoàn giám sát kiểm tra thực tế công tác giảm nghèo tại buôn Tul B (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn).

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Y Khút Niê ghi nhận những kết quả khá khả quan của huyện Buôn Đôn đạt được thời gian qua. Thời gian tới, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình thoát nghèo; tích cực huy động các nguồn lực xã hội; tăng cường hơn nữa sự nhận thức của các cấp, các ngành trong công tác xóa đói giảm nghèo ngay từ cơ sở…

*Chiều cùng ngày, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Biêr Niê đã chủ trì buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018 trên địa bàn tỉnh.

Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự buổi giám sát tại UBND tỉnh.
Các đại biểu tham dự buổi giám sát tại UBND tỉnh.

Dân số toàn tỉnh hiện nay trên 1,9 triệu người, với 47 dân tộc cùng nhau sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số có khoảng 637.000 người (chiếm 33,5%). Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 28-4-2017 của Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016-2020, Đắk Lắk có 45 xã khu vực III; 234 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc 87 xã khu vực II; 52 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I. Theo Quyết định số 900/QĐ-TTg, ngày 20-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 414/QĐ-UBDT, ngày 11-7-2017 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, tỉnh Đắk Lắk có 46 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; 231 thôn, buôn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Y Biêr Niê phát biểu tại buổi giám sát với UBND tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Biêr Niê phát biểu tại buổi giám sát với UBND tỉnh.

Giai đoạn 2012-2015, nguồn vốn tỉnh huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 295 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình khác là hơn 2.249 tỷ đồng; vốn vay tín dụng ưu đãi khoảng 3.289 tỷ đồng; vốn huy động cộng đồng hơn 136 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2018, nguồn lực để thực hiện chương trình hơn 340 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình khác hơn 4.659 tỷ đồng; vốn tín dụng ưu đãi khoảng 3.014 tỷ đồng; vốn huy động cộng đồng hơn 116 tỷ đồng.

Nhìn chung, các chính sách về giảm nghèo thời gian qua được triển khai đồng bộ và kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân… Nhờ đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; hộ nghèo đã được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; việc tiếp cận các dịch vụ xã hội ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giai đoạn 2012-2018 giảm bình quân 2,56%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,63%/năm; đã giảm được 68.351 hộ nghèo, trong đó có 37.632 hộ dân tộc thiểu số.   

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế như: chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao do những rủi ro bất khả kháng; tỷ lệ  giảm nghèo giai đoạn 2016-2018 chưa đạt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số địa phương còn cao; mức độ thiếu hụt tiếp cận một số dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, vệ sinh còn cao…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim K’đoh phát biểu tại buổi giám sát.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu tại buổi giám sát.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Biêr Niê ghi nhận những kết quả thực hiện giảm nghèo trong thời gian qua của tỉnh. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm nghèo, đặc biệt là phải thay đổi cách làm để đi vào thực chất; rà soát, xác định nguyên nhân của từng hộ nghèo, thôn, buôn, xã nghèo để có kế hoạch, giải pháp, mô hình phù hợp; hạn chế bớt việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, mà ưu tiên đầu tư vào hộ nghèo cho hiệu quả. Bên cạnh đó cần huy động, lồng ghép các nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, nhất là các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao; thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá thực hiện chương trình để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, thất thoát, lãng phí…

Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc