Multimedia Đọc Báo in

Thông tin thêm về vụ tổ chức hội thảo, lừa người dân rồi ôm tiền bỏ chạy ở huyện Cư M'gar

14:26, 25/03/2019

Báo Đắk Lắk ngày 18-3 có thông tin về vụ việc một số người dân xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar bị một nhóm người lạ mặt đến tổ chức “hội thảo”, bán hàng kèm tặng quà để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vấn đề này, theo Công an huyện Cư M’gar, những sản phẩm mà nhóm người tự xưng là nhân viên Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và phát triển khoa học công nghệ Thiên Ân bán cho người dân ở hai thôn Hiệp Bình và Hiệp Nhất (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong Giấy giới thiệu, Công ty này ghi có trụ sở tại số 124 Vĩnh Tuy, P. Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Cơ quan Công an đã gọi theo số điện thoại ghi trên giấy giới thiệu của Công ty nhưng không được.

Phươn tiện và tang vật liên quan đến vụ việc đang được tạm giữ tại Công an huyện Cư M'gar
Phương tiện và tang vật liên quan đến vụ việc đang được tạm giữ tại Công an huyện Cư M'gar

Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư M’gar đã thu giữ tang vật gồm 1 xe ô tô hiệu Toyota BKS 34D. 012.04, trên xe có 3 chảo điện, 2 bếp điện từ, 1 chiếc đèn pin, 1 thùng dầu ăn. Đồng thời, có 7 người dân tại thôn Hiệp Nhất đã giao nộp 7 chiếc chảo điện.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện cho biết thêm, quá trình điều tra, xác minh thông tin đã có 1 phụ nữ đến giao nộp số tiền 40 triệu đồng tiền mặt đã nhận của người dân.

Sự việc hiện đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Giấy mời tham dự
Thư mời tham dự "hội thảo" được gửi đến các hộ dân

Tìm hiểu thêm được biết, việc nhóm người lạ đi ô tô dùng chiêu thức đến các xã vùng sâu vùng xa để tổ chức hội thảo “bảo vệ môi trường” rồi giới thiệu bán sản phẩm không rõ nguồn gốc kèm theo khuyến mãi, tặng quà, thu tiền của người dân và bỏ chạy đã xảy ra tại một số địa phương của tỉnh trong thời gian gần đây. Nhóm người này thường chia thành nhiều nhóm nhỏ (gồm khoảng từ 4 đến 6 người) đến các thôn, buôn không thông qua chính quyền xã mà liên hệ với Ban tự quản thôn nhờ gửi giấy mời huy động nhiều người dân tham gia chương trình; tại mỗi nơi tổ chức “hội thảo” họ đều tổ chức người cảnh giới, dò đường trước để tìm đường “tẩu thoát” nhanh ngay sau khi nhận được tiền của dân. Với chiêu trò này, đã có không ít người dân nhẹ dạ cả tin, ham mua hàng giá rẻ và được tặng quà mà bị mắc bẫy với số tiền không ít.

Theo thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng Công an huyện Cư M’gar, để không trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo trên thì trước hết mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác, không nên tin theo lời những đối tượng lạ mặt xuất hiện ở địa phương để quảng cáo, bán hàng. Thay vào đó, cần tìm hiểu kỹ thông tin, nếu thấy nghi ngờ cần phải báo ngay cho chính quyền địa phương. Trong trường hợp  này, người dân cũng có thể nhanh chóng báo về Công an huyện theo các số điện thoại Trực ban hình sự: 02623. 515.588 hoặc 0947.102.277 (Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng Công an huyện) để lực lượng xác minh, làm rõ.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.