Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sạch nông thôn

17:57, 30/08/2019

Chiều 30-8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Khút Niê làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2018.

Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

ảnh
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Khút Niê phát biểu tại buổi làm việc

Với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, tính đến hết năm 2018, trên địa bàn Đắk Lắk có 168 công trình cấp nước tập trung được đầu tư xây dựng. Công trình vận hành được giao cho năm loại hình chủ thể quản lý gồm: Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; doanh nghiệp, hợp tác xã; UBND cấp xã; cộng đồng; Ban quản lý dự án huyện Krông Bông.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 168 công trình cấp nước, hiện chỉ có 41 công trình hoạt động bền vững; 56 công trình hoạt động trung bình; 20 công trình hoạt động kém hiệu quả và 51 công trình ngưng hoạt động. Thông qua Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm thiểu nhiễm bệnh tật do chất lượng nước gây ra, tạo điều kiện để người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, cải thiện điều kiện cuộc sống của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết năm 2018, Đắk Lắk có 91,4% số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, mục tiêu đến hết năm 2020 tỷ lệ này đạt 95%.

ảnh
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình thực hiện việc cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh

Tuy nhiên, hiện vẫn còn sự chênh lệch về tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh, đặc biệt là những xã nghèo, xã khó khăn chưa được tiếp cận với các điều kiện cấp nước và vệ sinh đạt chuẩn. Mặt khác, cấp nước nông thôn mang tính chính trị, xã hội cao hơn là tính dịch vụ, vì vậy người dân nông thôn chưa sẵn sàng chi trả tiền sử dụng nước nên nguồn thu không bảo đảm duy trì hoạt động của công trình…

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Khút Niê nhấn mạnh, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có ý nghĩa rất lớn đối với người dân nông thôn, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Để tiếp tục thực hiện Chương trình một cách hiệu quả, các ban, ngành liên quan của tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân về sử dụng tiết kiệm nguồn nước sinh hoạt, phát huy hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước đã được đầu tư. Bên cạnh đó, cơ quan, đơn vị quản lý thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện để có giải pháp cụ thể trong công tác quản lý công trình; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng nguồn nước của các công trình. UBND tỉnh cần có cơ chế, chính sách nhằm thu hút sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế tư nhân vào lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để nâng cao hơn nữa tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.