Multimedia Đọc Báo in

Đánh giá tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn Đắk Lắk

14:59, 25/10/2019

Sáng 25-10, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức Hội thảo đánh giá tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển mắc ca trên địa bàn Đắk Lắk.

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam; các doanh nghiệp, nông dân sản xuất và kinh doanh mắc ca trên địa bàn tỉnh.

ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại hội thảo

Theo đánh giá tại hội thảo, Đắk Lắk có điều kiện thuận lợi để phát triển cây mắc ca và có khả năng tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có 750 ha mắc ca, trong đó có 600 ha trồng thuần và 150 ha trồng xen. Diện tích trồng cây mắc ca tập trung chủ yếu ở các huyện: Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắc, M’Đrắk, Lắk và TP. Buôn Ma Thuột… Trên địa bàn tỉnh đã phát triển các giống mắc ca: OC, 849, 816, A38, A16 và QN1, được Bộ NN-PTNT công nhận. Theo định hướng phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, Đắk Lắk sẽ trồng mới 1.500 ha theo các phương thức trồng xen 1.400 ha trong vườn cây lâm nghiệp và 100 ha trồng thuần tại các huyện: Ea H’leo, M’Đrắk, Lắk, Ea Kar và huyện Krông Năng.

ảnh
Các đại biểu tìm hiểu về cây giống và sản phẩm mắc ca được trưng bày tại hội thảo

Tại hội thảo, đại biểu đã được nắm bắt các nội dung về tình hình phát triển mắc ca trên thế giới và một số vấn đề về phát triển mắc ca ở Việt Nam; định hướng phát triển cây mắc ca trên đất quy hoạch lâm nghiệp; cách chọn giống, tiêu chuẩn cây giống mắc ca chất lượng; tín dụng đầu tư phát triển cây mắc ca... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu những khó khăn về chất lượng cây giống, sản phẩm chưa đồng đều; năng suất còn thấp; công nghiệp chế biến chưa phát triển... Thông qua hội thảo, các đại biểu mong rằng Bộ NN-PTNT sớm xây dựng quy hoạch vùng trồng để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; xây dựng hệ thống thông tin riêng cho chương trình phát triển cây mắc ca nhằm giúp các bên liên quan theo dõi và nắm bắt thông tin; đẩy mạnh công tác nghiên cứu giống để chuyển giao cho các địa phương xây dựng nguồn giống phục vụ sản xuất; tiến hành khảo nghiệm và đánh giá phân vùng sinh thái tối ưu để xác định hiệu quả kinh tế theo từng dòng cây giống mắc ca...

ảnh
Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng nhấn mạnh, việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đang góp phần đa dạng sản phẩm ngành nông nghiệp của tỉnh, tăng thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đây là cây trồng mới, việc phát triển loại cây này còn nhiều tồn tại về cơ chế, chính sách, quy hoạch... Do đó, để khai thác được tiềm năng của cây mắc ca, thời gian tới, Đắk Lắk sẽ quan tâm chỉ đạo, định hướng để phát triển cây mắc ca một cách bền vững.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.