Multimedia Đọc Báo in

Dự án khởi nghiệp của phụ nữ Đắk Lắk được tài trợ 230 triệu đồng

08:59, 20/10/2020
Trong số 68 dự án khởi nghiệp xuất sắc được Trung ương Hội LHPN Việt Nam vinh danh tại Lễ trao giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020, tỉnh Đắk Lắk có 1 dự án.
 
Đó là dự án “Mô hình liên kết gia tăng giá trị cà phê với đầu ra là cà phê đặc sản tại tỉnh Đắk Lắk” của chị Huỳnh Thị Nga (Công ty Cổ phần Nam Tây Nguyên). Mô hình hướng tới mục tiêu sản xuất cà phê chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân; đưa sản phấm chất lượng cao đến người tiêu dùng.
 
Chị Huỳnh Thị Nga
Chị Huỳnh Thị Nga (áo vàng) nhận giải thưởng "Phụ nữ khởi nghiệp" năm 2020. (Ảnh nhân vật cung cấp)
 
Cụ thể, ở mô hình này, Công ty sẽ liên kết trực tiếp với nông dân để sản xuất cà phê đặc sản, giá trị cà phê được gia tăng qua quy trình và công nghệ chế biến. Nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, tỷ lệ cà phê chín khi thu hoạch bảo đảm đạt trên 90%. Cà phê cung cấp ra thị trường được rang mộc hoàn toàn để lưu giữ hương vị tinh khiết của cà phê Buôn Ma Thuột.
 
Từ tính khả thi trên, dự án đã đoạt giải “Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường”, được tài trợ trực tiếp 230 triệu đồng để phát triển.
 
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 được phát động từ tháng 1 đến hết tháng 3-2020. Cuộc thi nhận được 922 đề xuất dự án của hội viên phụ nữ gửi về tham dự. Qua khảo sát, đánh giá, Ban tổ chức đã lựa chọn 68 dự án khởi nghiệp xuất sắc ở nhiều lĩnh vực khác nhau để trao giải thưởng với tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra các dự án còn được hỗ trợ khóa học đào tạo, quy trình ứng dụng công nghệ và tiếp cận thị trường, thương mại hóa sản phẩm trong thời gian tới.
 
Vân Anh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.