Phục hồi và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp miền Trung - Tây Nguyên sau đại dịch Covid-19
Sáng 17-10, tại TP. Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội thảo “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp Đắk Lắk, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước sau đại dịch Covid-19” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức.
Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng; đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và Hội Nông dân của các tỉnh miền Trung –Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội thảo |
Nông nghiệp Tây Nguyên hiện đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung cao về một số loại nông sản có thế mạnh trên thị trường cả nước và thế giới như cà phê (chiếm 94% sản lượng của cả nước); hồ tiêu (chiếm 56% sản lượng); chè (chiếm 24% sản lượng); hạt điều (chiếm 22% sản lượng cả nước)… Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên toàn thế giới, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam, trong đó có nông sản khu vực Tây Nguyên.
Ông Nguyến Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT trả lời các thắc mắc, kiến nghị của nông dân |
Để chia sẻ thông tin, quan điểm, tăng cường hiểu biết về tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Nguyên, đồng thời giúp nông sản Tây Nguyên vượt qua khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu, các đại biểu đã trình bày nhiều ý kiến về các vấn đề như: ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; nâng cao năng lực chế biến và phát triển thị trường trong bối cảnh hậu Covid-19; tìm kiếm các sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; có chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là chế biến sau thu hoạch; xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp đồng bộ, trong đó doanh nghiệp là hạt nhân, kinh tế hợp tác là nòng cốt, hộ nông dân và kinh tế hộ là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; đề xuất những cơ chế chính sách, hỗ trợ nông dân trong sản xuất…
Nông dân huyện Cư Kuin nêu ý kiến về vấn đề phát triển hồ tiêu bền vững |
Tại các phiên thảo luận, lãnh đạo các bộ, sở, ngành và các chuyên gia đã ghi nhận và trả lời nhiều kiến nghị của nông dân về những vấn đề như: cách nhận diện phân bón thật để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng; giải pháp đối với sự phát triển bền vững cây ăn trái Đắk Lắk và vấn đề xây dựng nhà máy chế biến để tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái cho nông dân; định hướng, chính sách hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp sạch; giải pháp quản lý quy hoạch cây trồng cũng như giải quyết đầu ra cho nông sản để tránh tình trạng “chặt trồng, trồng chặt”; nông dân gặp vướng về các rào cản kỹ thuật quốc tế khi bán hàng trên các trang thương mại điện tử; nguồn gốc giống các loại cây trồng công nghiệp và cây ăn trái; giải pháp để giải quyết những vướng mắc về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP…
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Khắc Toàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, nông sản tiếp cận được với thị trường thế giới, vai trò của hội viên nông dân, các tổ chức hội rất quan trọng trong việc đẩy mạnh liên kết sản xuất để tạo thành vùng nguyên liệu, phục vụ cho sản xuất hàng hóa, bảo đảm đầu ra và giá cả ổn định; tăng cường sản xuất theo hướng hữu cơ và thực hiện trí thức hóa nông dân. Đặc biệt, để xuất khẩu tốt cần tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là với các sản phẩm chủ lực của vùng Tây Nguyên. Và muốn làm được điều đó, phải bắt đầu từ khâu tổ chức sản xuất, đến khâu chế biến, xúc tiến thương mại, xây dựng bao bì, hình ảnh, thương hiệu…
Các công ty và Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản |
Tại hội thảo Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế ETC, Công ty TNHH Giải pháp chất lượng GQS và Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk đã ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân Đắk Lắk.
Minh Lan
Ý kiến bạn đọc