Multimedia Đọc Báo in

Hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890-19-5-2010)

Người phụ nữ M’nông và tấm ảnh chụp với Bác Hồ

09:38, 10/05/2010

Đã hơn 40 năm trôi qua, bà Amí Sơn, buôn Bu Yuk, xã Dak Phơi (Lak) vẫn giữ gìn tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ như một báu vật. Tấm ảnh đen trắng có hình Bác Hồ trong bộ ka ki trắng và đôi dép cao su giản dị đang tươi cười hiền hậu, cô gái M’nông nhỏ nhắn trong trang phục thổ cẩm truyền thống đứng gần Bác chính là Amí Sơn…

Amí Sơn (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) chụp ảnh chung với Bác Hồ.
Amí Sơn (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) chụp ảnh chung với Bác Hồ.
Bà Amí Sơn tên thật là H’Yiêng Dăk Chăt, quê ở buôn Liêng Plang, xã Dak Phơi. Khi H’Yiêng tròn 18 tuổi thì cũng là lúc bom đạn của Mỹ ngụy bắt đầu tàn phá các buôn làng ở Lak, Krông Bông. Bà con M’nông ở đây một lòng theo Cách mạng. Những thanh niên khỏe mạnh xung phong vào rừng theo bộ đội lập căn cứ đánh giặc, còn những cô gái như H’Yiêng ở lại buôn làm chiến sỹ hành lang chuyên gùi đạn dược, lương thực tiếp tế cho khu căn cứ. Địch ruồng bố rất ác liệt nhằm triệt hạ đường tiếp tế của ta vào Dak Phơi, chúng lùng sục, bắt bớ, đánh đập, giết hại những người bị phát hiện tiếp tế cho bộ đội. Để tránh bị phát hiện, H’Yiêng Dăk Chăt đã đổi tên họ M’nông cha mẹ đặt cho thành tên H’Yuôm Bkrông - một cái tên thuần chất Êđê. Cô gái trẻ dũng cảm ấy đã cùng chị em trong buôn bí mật tải thành công nhiều gùi đạn, gạo muối tiếp tế cho bộ đội trong căn cứ. Cuối năm 1963, trong một lần gùi đạn, nhóm của H’Yuôm bất ngờ lọt vào ổ phục kích của địch, H’Yuôm bị thương rất nặng, may mắn là bộ đội ta đã ứng cứu kịp thời, cứu được nhiều người và đạn dược. Năm 1964, H’ Yuôm được ra miền Bắc để chữa bệnh và học tập.
Amí Sơn và tấm ảnh quý.
Amí Sơn và tấm ảnh quý.
Ở Hà Nội, sau khi sức khỏe hồi phục, H’Yuôm được đi học chữ tại một ngôi trường ngoại thành cùng nhiều chị em người dân tộc thiểu số đến từ các vùng miền của Tổ quốc. Và chính trong thời gian này, chị đã được gặp Bác Hồ. Kể lại những giây phút ấy, giọng của bà Amí Sơn vẫn rưng rưng xúc động: “Tình cờ trong một lần mấy chị em bạn học đang túm tụm trong phòng với cái lạnh của mùa đông miền Bắc thì có cán bộ của trường đến thông báo rằng chúng tôi chuẩn bị đi gặp Bác Hồ. Sau một đoạn đường dài đi bằng ô tô từ ngoại thành đến nơi Bác làm việc, chúng tôi hồi hộp tập trung trước tiền sảnh của phòng họp nơi Bác đang cùng với các đồng chí trong Chính phủ bàn việc nước. Và cái không khí chờ đợi ấy cũng vỡ òa khi Bác Hồ giản dị từ phòng họp bước ra. Chúng tôi ùa đến vây quanh Bác. Bác ân cần hỏi tôi về cuộc sống của bà con người Êđê, M’nông đang đồng cam cộng khổ với bộ đội đánh giặc, về việc học tập của tôi… Sau đó chúng tôi được chụp ảnh cùng Bác”.

Sau cuộc gặp gỡ ấy, theo yêu cầu của cách mạng, H’Yuôm đã đi rất nhiều nơi ở miền Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa… vừa học tập vừa tham gia sản xuất để phục vụ chiến trường. Những ngày tháng ở Cao Bằng, H’Yuôm đã gặp Y Săm Niê. Y Săm là người Êđê ở xã Ea Sol (Ea H’leo). Nỗi nhớ quê hương và sự đồng cảm đã đưa 2 người đến với nhau và thành vợ thành chồng. Những đứa con của H’Yuôm vẫn được lấy theo họ Bkrông như là một tấm lòng sắt son với cách mạng. Phải đến hơn 1 năm sau ngày giải phóng, gia đình H’Yuôm mới trở về với buôn làng sau hơn 12 năm xa cách. 

Viết Nghĩa

 


Ý kiến bạn đọc