Multimedia Đọc Báo in

Khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII

10:42, 20/05/2010

Sáng 20-5, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng là 1.157 ý kiến cử tri đã được Mặt trận Tổ quốc tổng hợp, báo cáo tại buổi khai mạc.

 

Các đại biểu tại các Kỳ họp Quốc hội.   Ảnh:  VOVNEWS
Các đại biểu tại các Kỳ họp Quốc hội. Ảnh: VOVNEWS

Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội (QH) sẽ nghe Báo cáo của Chính phủ và các UB Kinh tế, Tài chính – Ngân sách đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội và ngân sách năm 2009 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách năm 2010. Cũng trong sáng nay, Mặt trận Tổ quốc sẽ tổng hợp lại 1.157 ý kiến cử tri và báo cáo trước Quốc hội, trong đó có 6 nhóm vấn đề dân sinh “nóng” được cử tri đặc biệt quan tâm.

Đó là việc tăng lương không theo kịp tăng giá. Giá điện, giá xăng dầu liên tục tăng đã khiến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, nhất là nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó tiến độ và lộ trình cải cách tiền lương không theo kịp với tốc độ tăng giá trên thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của người về hưu, người hưởng lương từ ngân sách. Vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những biện pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu.Nhóm vấn đề thứ 2 cử tri bức xúc là việc bác sĩ kê đơn thuốc ăn hoa hồng, chất lượng giáo dục thấp và vấn đề bạo lực học đường, sự vô cảm của nhiều người như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua. Nhóm vấn đề thứ 3 là cử tri yêu cầu xem xét kỹ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 cũng như việc quản lý đất đai ở nhiều tỉnh chưa được tốt. Cử tri cho rằng, cần lắng nghe ý kiến nhân dân, ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050.

Ngoài ra, việc nở rộ trao tặng danh hiệu; vấn đề phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn nhà nước, thậm chí có công trình trọng điểm quốc gia, công trình chào mừng các ngày lễ lớn chất lượng chưa bảo đảm cũng khiến cử tri lo lắng. Chính phủ cần kiên quyết không để hiện tượng “chạy đua” thời gian, gây lãng phí, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Buổi chiều hôm nay, Chính phủ và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo với QH chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM. Đây là một dự án lớn, với chiều dài 1.570 km, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ có 27 ga (25 ga dọc tuyến và 2 ga đầu cuối) trên toàn tuyến, đi qua 20 tỉnh, thành phố. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 55,8 tỷ USD, suất đầu tư bình quân là 680 tỷ đồng (35,6 triệu USD)/km. Ước tính việc giải phóng mặt bằng cho dự án liên quan đến hơn 16.000 hộ gia đình, trong đó gần 9.500 hộ bị mất đất ở, hơn 7.000 hộ mất đất sản xuất. Phương án đầu tư Chính phủ lựa chọn là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300 km/h chuyên chở hành khách. Như vậy, thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến TP.HCM là 5giờ38phút; Hà Nội - Vinh dự kiến là 1giờ24phút, TPHCM - Nha Trang là 1giờ30phút. Đây cũng là một trong những vấn đề lớn mà cử tri quan tâm và có ý kiến đề nghị Quốc hội cần thảo luận, xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án này cả về sự cần thiết đầu tư dự án, giải pháp công nghệ, nguồn vốn đầu tư, di dân tái định cư, tác động của dự án đến môi trường tự nhiên...

Dự kiến kỳ họp sẽ làm việc đến ngày 19-6

 

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua 10 dự án luật, trong đó có các dự án luật được người dân rất quan tâm như dự án Luật Thuế nhà-đất, dự án Luật An toàn thực phẩm, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nằm 2010. Ngoài ra, Quốc hội cũng cho ý kiến về 6 dự án luật khác...
Ngoài những vấn đề trên, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7; nghe chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội cũng sẽ dành thời gian xem xét vấn đề nhân sự tại kỳ họp tới.

Lê Hương (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc