Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII: Đề nghị quy định cơ sở bưu chính cấp xã vào luật

09:55, 27/05/2010

Chiều qua, Quốc hội làm việc tại Hội trường tập trung nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bưu chính. Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật, ý kiến các đại biểu chủ yếu tập trung vào 3 nhóm nội dung chính: Bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính (Điều 13, 14); Cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (Điều 34); Cơ sở phục vụ bưu chính cấp xã (điểm bưu điện văn hóa xã).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Trần Thế Vượng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Trần Thế Vượng phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng không nên quy định cụ thể về điểm bưu điện văn hóa xã trong Luật mà chỉ quy định tại các văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Lý do là các nhiệm vụ tích hợp khác vào điểm bưu điện văn hóa xã như thông tin, văn hóa, thư viện, pháp luật… sẽ thay đổi tùy theo chính sách của Nhà nước để thực hiện mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, theo những chương trình, đề án cụ thể do yêu cầu thực tiễn. Sau hơn 10 năm hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã, do điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, dân trí của người dân được nâng cao, nhất là các địa bàn, các tỉnh, thành phố nhiều người dân không có nhu cầu giao dịch ở các điểm bưu chính.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số đại biểu, một mảng lớn người dân nông thôn, người dân vùng sâu, vùng xa do điều kiện hoàn cảnh kinh tế - xã hội vẫn còn khó khăn, đời sống dân trí chưa được bằng ở các vùng thành phố, vẫn cần tiếp cận thông tin, kiến thức khoa học, tiếp cận với chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua điểm bưu điện văn hóa xã. Vì vậy, đề nghị quy định điểm bưu điện văn hóa xã ngay trong Luật, không nên để quy định trong văn bản của Chính phủ. Chính phủ có thể hướng dẫn ở những nơi cần thiết vẫn phải có bưu điện văn hóa xã, còn ở những vùng kinh tế, xã hội phát triển, dân không có nhu cầu thì lại không đặt điểm này. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đại biểu tỉnh Dak Lak) đề nghị có thêm một điều khoản nào đó để hỗ trợ cho trạm bưu điện văn hóa xã bởi cán bộ bưu điện văn hóa xã có thu nhập rất thấp so với cán bộ trong ngành bưu chính viễn thông, chỉ vài ba trăm nghìn đồng. Đại biểu cho rằng, không thể cấp lương cho các đối tượng này, nhưng vẫn có thể tạo dịch vụ giúp họ có thêm thu nhập.
Về dịch vụ bưu chính, theo phân tích của các đại biểu đặc thù của bưu chính không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được, trong khi phổ cập dịch vụ tới tất cả các vùng sâu, vùng xa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hiện nay về hạ tầng bưu chính thật ra chỉ có bưu chính Việt Nam làm được và hệ thống này tương đối nặng nề. Do đó cần phải có sự tập trung nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để cho hệ thống này hoạt động đem lại hiệu quả, phổ cập được dịch vụ tới người dân vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, Nhà nước phải có những biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm ưu tiên của Nhà nước đối với hệ thống bưu chính để dịch vụ đưa tới người dân đạt chất lượng, tránh tình trạng những ưu đãi của Nhà nước biến thành ưu đãi riêng cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì lợi dụng ưu đãi để hưởng lợi trong khi dịch vụ cung cấp cho người dân không đạt chất lượng.
Về nội dung bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, trong thực tế xảy ra những trường hợp nghi ngờ vật phẩm và hàng hóa có thể bị vi phạm, đại biểu đề nghị trong Luật phải lường đến những trường hợp này để có cơ sở xử lý.
Các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được các bộ ngành chức năng xem xét, nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua vào ngày 17-6.
Hôm nay 27-5, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm.
Đ.T (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.