Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 – 21-6-2010)

Cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn gắn liền với báo chí

09:59, 18/06/2010

 

Là một người học trò, một cộng sự gần gũi nhất và lâu năm nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết:
“Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức, đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn; Người đã mở đầu và góp phần quan trọng hiện đại hóa ngôn ngữ và câu văn Việt Nam. Suốt đời Hồ Chí Minh là người cầm bút chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng, nhiều sắc thái, mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ giản dị, giàu hình tượng, nói lên được điều lớn bằng những chữ nhỏ”.
Chiếc máy chữ đã gắn liền với công việc làm báo của Bác Hồ. (Ảnh tư liệu)
Chiếc máy chữ đã gắn liền với công việc làm báo của Bác Hồ. (Ảnh tư liệu)

Là những người làm báo Việt Nam, con cháu của Bác, chúng ta có thể nói một cách tự hào: Suốt cả cuộc đời vĩ đại của Bác là gắn liền với báo chí.
Một lần, phóng viên của báo Giôvanni Giécmanétto, một tờ báo của Đảng cộng sản Ý, hỏi Bác:
-Tại sao anh lại sang châu Âu? Bác trả lời:
-Trước đây, tôi có đọc một số tờ báo Pháp, do những người lính lê dương đưa cho, một vài tờ có tính chống đối ở An Nam. Vì thế, tôi nảy ra ý muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao, và thế là tôi đã tới Paris.
Ở một bài báo khác, Bác cũng viết, lúc đó đọc trên báo Pháp, thấy người ta nói đến những từ đẹp đẽ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” thế là mình muốn tới đó xem sao?
Như vậy là, ngay từ những ngày đầu đi tìm đường cứu nước của Bác, đã có sự tác động của báo chí. Sau này, trong hành trình qua Pháp, qua Mỹ, Anh, rồi cuối năm 1917 trở lại nước Pháp, hòa mình vào cuộc đấu tranh của nhân dân lao động và trí thức Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã khởi đầu sự nghiệp cách mạng của mình bằng những hoạt động của báo chí.
Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng, cách mạng muốn thắng lợi thì quần chúng đông đảo phải được tuyên truyền, phải được giác ngộ, phải được tập hợp. Và phương tiện tốt nhất để làm việc đó, không có gì hữu hiệu và sắc bén hơn là báo chí. Sau này, khi đã trở thành người lãnh đạo của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói: Báo chí là tờ hịch của cách mạng!
Không những chỉ làm báo, Bác còn tham gia hoạt động chính trị của Quốc tế cộng sản rất sôi nổi. Có Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết:
“Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thật lạ lùng là một người Việt Nam trẻ tuổi, vừa đến thủ đô Paris không bao lâu, đã thâm nhập ngay được vào đời sống chính trị tại đó, làm những việc cực kỳ quan trọng đối với dân tộc mình, đối với các dân tộc thuộc địa và góp phần hình thành chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân Pháp”.
Năm 1946, Bác Hồ sang thăm Pháp để vận động cho hòa bình ở Việt Nam.
Đến Paris hôm trước, thì hôm sau Bác đi viếng mộ cụ Khánh Ký, người đã dạy Bác làm ảnh hồi hoạt động ở Pháp.
Sau đó, Bác đi viếng mộ nhà văn lớn Rô-manh Rô-lăng. Hai nhà văn lớn Rô-manh Rô-lăng và Hăng-ri Bác-buýt năm 1922 là những người đã đứng ra bảo lãnh, xin phép và dành cả một gian nhà cho Báo “Người Cùng Khổ”.
Năm 1935, lúc đó Bác đang ở miền Nam Liên Xô, nghe tin Hăng-ri Bác-buýt sang thăm Liên Xô và bị bệnh đột ngột. Bác đã về ngay Matxcơva đúng lúc ông đang hấp hối. Hai người chỉ kịp nhìn thấy nhau! Ông mất ngày 30-8-1935, nhân dân Liên Xô đã đến vĩnh biệt ông, một tháng sau mới đưa nhà văn về Pháp.
Bác Hồ là người trước sau như một, những người đã giúp đỡ Bác làm báo, làm cách mạng, Bác còn nhắc mãi.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, với 50 năm làm báo (1919-1969) Bác Hồ đã viết hơn 2.000 bài báo với nhiều thể loại và hàng trăm bút danh khác nhau.
Tại Hội thảo quốc tế về Di sản Hồ Chí Minh vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 12-5-2010, có 55 đại biểu quốc tế, các nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị xã hội đến từ các nước Trung Quốc, Cuba, Nga, Pháp, Ấn Độ, Triều Tiên, Anh, Mỹ, Bănglađesh, Brazil, Bungaria, Chi Lê, Hàn Quốc, Hunggari, Inđônesia, Mexico, Philippin, Thái Lan, Venezuela. Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã phát biểu: “Trong lĩnh vực truyền thông và thông tin, chúng ta thấy vai trò của Người trong việc phát triển báo chí. Ví dụ: như Người đã lập ra tờ báo riêng của mình, tờ Le Paria, có nghĩa là “Người Cùng Khổ” vào năm 1922 và sáng lập ra “Thanh Niên” tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam vào năm 1925 và trở thành Tổng biên tập đầu tiên của ấn phẩm này. Người cũng lập ra tờ báo “Nhân Dân” cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hồ Chí Minh đã đưa ra một phong cách làm báo mới ở Việt Nam, lấy dân tộc và nhân dân làm chủ đề thời sự chính… Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam… Suốt đời mình, Người là một nhà báo. Người viết nhiều thể loại văn chương và báo chí: bút ký, truyện thời sự, xã luận, thơ cùng các thể loại khác. Các bài báo của Người đi thẳng vào vấn đề và được viết một cách giản dị, rõ ràng và súc tích, rất dễ hiểu với độc giả đông đảo của Người”.
Trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, ông Hans D’Orville, Phó Tổng giám đốc tổ chức UNESCO, trong một bài phát biểu khá dài của mình đã tuyên bố: “Chính vì tầm vóc vĩ đại của con người Hồ Chí Minh, mà chúng ta đã vinh danh Người ở UNESCO và trên thế giới”. Ông còn nói: “Xin được kể một câu chuyện vui, chúng ta đã biết rằng vị cha già của dân tộc Việt Nam khi còn trẻ đã từng viết bài báo lên án xu hướng mà những người nói tiếng Pháp hiện nay gọi là lạm dụng ngôn ngữ Anh trong tiếng Pháp. Điều này cho thấy Hồ Chí Minh không chỉ là người dẫn đường cho dân tộc Việt Nam, mà còn là người soi sáng cho phong trào Pháp ngữ, một tổ chức mà Việt Nam cũng là một thành viên và UNESCO có mối quan hệ rất tốt”.
Các nhà ngôn ngữ học đều nói, Hồ Chủ tịch rất chú trọng cách viết. Người rất cẩn trọng ngay đến cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, cách bố cục một bài viết. Nhà báo Phan Quang kể lại, vụ chiêm 1958 nắng hạn to, nông dân huyện Tiên Lữ, Hưng Yên ra sức đào một con sông nhỏ thì Bác Hồ về thăm. Bác đi bộ rất nhanh giữa cách đồng khô hạn, thăm hỏi bà con. Mọi người hoan hô Bác. Bác xua tay: “Đừng hoan hô Hồ Chủ tịch, hãy hoan hô nước khi nào nước về!”. Nhìn trong đám đông, thấy có một cụ già đang làm cùng con cháu, Bác đi lại nắm chặt tay cụ: “Tôi cảm ơn cụ đã làm gương cho con cháu!”. Hôm ấy, được đi theo Bác, nhà báo Phan Quang đã viết ngay một bài tường thuật dài đăng trên Báo Nhân Dân. Hôm sau, văn phong Bác điện cho nhà báo đến gặp Bác. Bác đang làm việc, ngẩng lên:
-Chú Quang à, Bác đã đọc bài báo của chú. Viết thế là được. Nhưng Bác hỏi chú, trong bài mấy lần chú nhắc đi nhắc lại chuyện Hồ Chủ tịch đi bộ giữa cánh đồng. Vậy ra từ trước tới nay, Bác Hồ toàn đi xe, chưa từng lội bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ thì có cái gì mà viết lắm thế?
Nhà báo bối rối, cảm ơn Bác và hứa lần sau sẽ viết cố gắng hơn.
Một lần khác, Bác đi thăm bà con nông dân gặt lúa ở ngoại thành. Hôm ấy, nữ sinh trường Trưng Vương về lao động giúp dân. Bác vui vẻ động viên: “Các cô tiểu thư Hà Nội lao động có thành tích thì chú nhà báo này (Bác chỉ phóng viên Báo Thủ Đô Hà Nội) sẽ viết bài đăng lên báo để Bác khen thưởng”. Song Bác quay sang dặn thêm nhà báo: “Chú nhớ viết cho đầy đủ, không được để sót. Nhưng Bác bảo chú viết đầy đủ, chứ không phải là viết dài đâu nhé!
Bác cũng thường dặn dò các nhà báo:
“Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”.
“Tiếng nói là thứ của cải lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Và Bác là người đã có đóng góp lớn cho sự phong phú của tiếng Việt. Nhiều từ ngữ mới mà các nhà báo chúng ta đang dùng là do Bác sáng tạo ra như: Giặc đói, giặc dốt, óc bè phái, óc hẹp hòi, thói ba hoa, bệnh quan liêu, tệ lãng phí...
Nhiều lần Bác nói với các nhà báo:
“Trong nghề làm báo, ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế thì những người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài”.
Trong bài “Sen của loài người”, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
“Cuộc đời của Bác đâu phải một cuộc đời, mà là tổng hợp nhiều cuộc đời. Người thủy thủ có lịch sử 10 năm đi biển, ngang dọc các đại dương trên thế giới. Người làm báo lỗi lạc ở những thủ đô văn hóa lớn. Nhà thơ, nhà hiền triết có cái hồn yên tĩnh, trầm mặc của những vòm trời màu mây phương Đông… Cuộc đời nào cũng đẹp, các văn phong của Người lối nào cũng tài năng. Nhưng cuối cùng, Người đã vì ta chỉ sống có một cuộc đời: Cuộc đời lãnh đạo chúng ta làm cách mạng. Chỉ viết có một lối văn, lối văn giản dị, thuần phác. Chỉ mang một cái tên: “Bác” mà con cháu ta sẽ nhớ đến muôn đời!”.
Bùi Công Bính

Ý kiến bạn đọc