Multimedia Đọc Báo in

ASEAN và những mốc son đáng nhớ

08:33, 07/08/2010

Trước chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước Đông Nam Á (trừ Thái Lan) là thuộc địa của các nước thực dân phương Tây. Từ tháng 8-1945, hầu hết nhân dân các nước Đông Nam Á đã nổi dậy lật đổ ách thống trị thực dân, giành lại độc lập. Sau khi giành được độc lập và đứng trước những yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhiều nước Đông Nam Á chủ trương thành lập một tổ chức liên minh khu vực nhằm cùng nhau hợp tác phát triển. Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (viết tắt theo tiếng Anh là ASEAN) đã được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước: Indonesia, Malaysia, Philipin, Singapore và Thái Lan.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4-2010
Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4-2010. (Ảnh: T.L)


Thời kỳ mới thành lập, ASEAN đã có hai văn kiện quan trọng: “Tuyên bố Băng Cốc” (8-1967), xác định mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Gần 10 năm sau, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ nhất họp tại Bali (Indonesia) vào ngày 24-2-1976, nhũng người đứng đầu Chính phủ năm nước đầu tiên của Hiệp hội đã ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, gọi tắt là Hiệp ước Bali quy định những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các nước thành viên, như : Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia; Quyền của mỗi quốc gia tồn tại theo cách riêng của mình, không bị can thiệp, lật đổ và gây sức ép từ bên ngoài; Không can thiệp và công việc nội bộ của nhau; Giải quyết bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; Không đe dọa hay sử dụng vũ lực; Hợp tác có hiệu quả giữa các nước. Cơ cấu tổ chức ban đầu của ASEAN gồm : Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên (mỗi năm một lần), Ủy ban thường trực, Ban Thư ký. Ủy ban phối hợp và 9 ủy ban chuyên môn. Trụ sở chính của Ủy ban thường trực đóng tại Băng Cốc (Thái Lan), trụ sở của Ban thư ký đóng tại Jakarta (Indonesia). Từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20, do “vấn đề Campuchia”, quan hệ giữa các nước ASEAN và ba nước Đông Dương trở nên căng thẳng, đối đầu nhau. Cũng trong thời gian này, nền kinh tế các nước ASEAN đã có những bước biến mạnh mẽ và đạt được sự tăng trưởng cao như Singapore, Malaysia, Thái Lan … Năm 1984, Brunei đã tham gia và trở thành thành viên thứ 6 của ASEAN. Sau chiến tranh lạnh, nhất là khi vấn đề Campuchia được giải quyết, quan hệ giữa các nước Đông Nam Á đã được cải thiện rõ rệt. Tháng 7-1992, Việt Nam và Lào chính thức tham gia Hiệp ước Bali. Đây là bước đi đầu tiên tạo cơ sở để Việt Nam hòa nhập  vào các hoạt động của khu vực Đông Nam Á. Tiếp đó, vào ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN. Tháng 9-1997, Lào và Myanma gia nhập ASEAN. Tháng 4-1999, Campuchia được kết nạp vào tổ chức này. Như thế, ASEAN từ 5 nước thành viên khi mới thành lập đã phát triển thành 10 nước thành viên. Với 10 quốc gia thành viên, ASEAN trở thành một tổ chức khu vực ngày càng có uy tín với những hợp tác kinh tế (AFTA, 1992) và hợp tác an ninh (Diễn đàn khu vực ARF, 1994), mở ra một chương mới trong lịch sử khu vực Đông Nam Á.

Các thí sinh tham dự cuộc thi “Duyên dáng truyền hình ASEAN 2010” được tổ chức tại Việt Nam. (Ảnh: T.L)
Các thí sinh tham dự cuộc thi “Duyên dáng truyền hình ASEAN 2010” được tổ chức tại Việt Nam. (Ảnh: T.L)


Trong 15 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho sự thành công của ASEAN. Quan hệ Việt Nam - ASEAN phát triển đều khắp trên tất cả các lĩnh vực. Sau khi gia nhập ASEAN, chúng ta đã nỗ lực thúc đẩy việc kết nạp các nước Lào, Myanma và Campuchia vào Hiệp hội, đưa tới sự hình thành một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội, góp phần quan trọng vào việc củng cố tình đoàn kết, sự thống nhất và hợp tác trong ASEAN, củng cố vị thế và hình ảnh của Hiệp hội sau cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Việt Nam cũng đã hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN và Chủ tịch ARF giai đoạn 2000-2001, cống hiến tích cực vào việc củng cố những nguyên tắc cơ bản đã được thỏa thuận, xác định rõ các phương hướng phát triển của khu vực cũng như xây dựng các quyết sách lớn như Tầm nhìn 2020, Chương trình Hành động Hà Nội, Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển, Chương trình tiểu vùng Mê Kông, Sáng kiến phát triển Hành lang Đông-Tây... Việt Nam cũng có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các nước đối thoại, trong đó có nhiều nước và trung tâm lớn của thế giới, nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Tuy nhiên, dấu ấn quan trọng nhất của Việt Nam đối với ASEAN chính là năm 2010 - năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN. Để chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN, từ những năm trước, đặc biệt là năm chuyển giao 2009, Việt Nam đã có những hành động cụ thể như tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác nội khối và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài trên mọi lĩnh vực. Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Phó Chủ tịch Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Chủ tịch Nhóm đặc trách về thu hẹp khoảng cách phát triển (IAI), điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Canada đạt kết quả thiết thực. Việc tham gia tích cực vào quá trình triển khai hiến chương và lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trong năm 2009 cũng đã thể hiện rõ nét vai trò và trách nhiệm của chúng ta. Vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong ASEAN cũng như tại các diễn đàn quốc tế và khu vực khác ngày càng được coi trọng. Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam tập trung vào các ưu tiên như thúc đẩy đoàn kết và hợp tác ASEAN, đẩy mạnh liên kết khu vực nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, hoàn tất việc đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống; mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa ASEAN với các bên đối tác; củng cố và duy trì vai trò quan trọng của ASEAN tại các khuôn khổ hợp tác khu vực, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với các ưu tiên trên, việc hỗ trợ quảng bá đất nước và con người Việt Nam cũng được chú trọng; đề cao hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới và năng động, có đường lối đối ngoại độc lập, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, tích cực hội nhập khu vực và quốc tế. Việt Nam đã xác định chủ đề cho năm 2010 là : “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”.
         

Nguyễn Viết Chính (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc