Multimedia Đọc Báo in

Dak Lak qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị: Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, an ninh chính trị được giữ vững

19:14, 16/09/2010
Ngày 16-9, Tỉnh ủy tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010. Tham dự có các đồng chí: Mai Văn Năm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị xã và TP. Buôn Ma Thuột.
 
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị là một chủ trương mang tính chiến lược, có tính bao quát, toàn diện đối với vùng Tây Nguyên. Riêng tại Dak Lak, theo Dự thảo báo cáo tổng kết của Tỉnh ủy, qua 10 năm thực hiện nghị quyết này, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2001-2010 có bước phát triển khá, quốc phòng – an ninh được bảo đảm, hệ thống chính trị được củng cố và hoạt động hiệu quả hơn. Các ngành kinh tế duy trì mức tăng trưởng ổn định, nhất là khu vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2010 đạt 12.810 tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2000. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 10% (kế hoạch 9,4%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế nông thôn có những chuyển biến tích cực thông qua các chương trình cho vay vốn, giải quyết việc làm, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm; các chương trình mục tiêu quốc gia… Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn được quan tâm; hệ thống các đô thị tiếp tục được phát triển. Điểm nổi bật là thành phố Buôn Ma Thuột được nâng cấp thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đã thành lập thị xã Buôn Hồ và đang xúc tiến thành lập thị xã Ea Kar.
q
Đồng chí Mai Văn Năm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội được đầu tư với hệ thống cơ sở vật chất trường lớp xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Chất lượng giáo dục có những tiến bộ rõ rệt, đáng chú ý là trong công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên, tổ chức nhiều hình thức đào tạo để nâng tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số tại chỗ được đến trường ngày càng tăng. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố; hoạt động xã hội hóa y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng nâng cao. Các địa phương, đơn vị thường xuyên chú ý thực hiện tốt  chính sách dân tộc, tôn giáo và có những chuyển biến tích cực. Các nguồn vốn, các chương trình đầu tư trực tiếp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề… đã có tác dụng lớn trong việc giảm rõ rệt tỷ lệ hộ nghèo, đời sống người dân được cải thiện, tạo được lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.
 
Đối với nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, đặc biệt  là vai trò của già làng, trưởng thôn, buôn, coi đó là cơ sở, nền tảng vững chắc để chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Công tác xây dựng củng cố chính quyền ngày một kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo đó, đã tập trung đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, tranh chấp đất đai… để kích động biểu tình. Từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã triển khai các giải pháp đồng bộ, ổn định tình hình, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ gây rối, từng bước làm thất bại âm mưu thành lập “nhà nước Đêga”, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.
 
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Mai Văn Năm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của địa phương trong việc xây dựng Dak Lak ngày càng giàu về kinh tế, vững về chính trị. Đồng thời mong muốn Dak Lak nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết, đó là công tác cải cách hành chính và phát động quần chúng ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả, thiếu chủ động; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở năng lực hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ… Trước tình hình thế giới và khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, đồng chí nhấn mạnh một số điểm có thể coi là giải pháp trong thực hiện, nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh mà địa phương cần quan tâm: tăng cường công tác vận động quần chúng, thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo, tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số… để xây dựng Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng thực sự trở thành vùng kinh tế động lực.
Đàm Thuần

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.