Multimedia Đọc Báo in

Hạt giống Bác gieo đã kết trái trên đất Tây Nguyên

14:45, 06/09/2010

Cơn gió lao xao kèm theo chút se lạnh của những ngày chớm thu đưa ông Y B’Him Mlô tức Ama Phương (buôn Năng, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) trở về với những năm tháng theo cách mạng đánh Pháp, đuổi Mỹ giành độc lập dân tộc. Chính quãng thời gian tập kết ra Bắc, người con của núi rừng Tây Nguyên Y B’Him đã vinh dự được 3 lần gặp Bác, vị lãnh tụ, người cha già kính yêu của dân tộc. Cái duyên kỳ ngộ ấy không phải ai cũng may mắn có được, già Ama Phương tự hào kể.

Những mùa Thu không thể nào quên
Một ngày đầu thu, theo chân những cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Krông Năng chúng tôi đến thăm gia đình Ama Phương. Căn nhà cấp 4 khang trang của Ma Phương được bài trí rất ngăn nắp. Ảnh Bác được đặt trang trọng trong tủ kính; những huân, huy chương ghi nhận những đóng góp của Ama Phương trong hai cuộc kháng chiến được ông treo rất cẩn thận. Biết chúng tôi đến để được nghe kể về những lần được gặp Bác, mắt ông rực sáng, những kỷ niệm của một thời hoa lửa bùng cháy mãnh liệt trong ký ức người lính Trung đoàn 120 Tây Nguyên. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đến kỳ lạ, cuộc đời Ama Phương gắn chặt với mùa Thu. Ma Phương được sinh ra vào mùa Thu (2 – 8 - 1932) và ngày lên đường nhập ngũ cũng đúng vào mùa Thu (2 – 8 - 1949), khi ấy Y B’Him tròn 17 tuổi. Thật ra, Y B’Him đã theo các chú bộ đội hành quân, cùng ăn, cùng ngủ từ khi còn rất nhỏ, độ khoảng 13 - 14 tuổi. Có những lần hành quân, cậu bé Y B’Him không theo kịp, cái chân quá mỏi, lại buồn ngủ, các chú bộ đội phải cõng Y B’Him trên lưng đi hết chặng đường hành quân. Và mùa Thu năm 1956, Y B’Him đã được gặp Bác Hồ. Ama Phương nhớ rõ mồn một, sáng hôm ấy, cả Trung đoàn 120 Tây Nguyên đang lao động trên công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải, thì Bác Hồ đến thăm. Ông kể: “Nghe tin Bác đến, hàng trăm người đều buông cuốc, xẻng, xe cải tiến…, tất cả đổ dồn ánh mắt về hướng cổng chính để được nhìn thấy Bác. Lúc ấy, tôi đang đẩy chiếc xe cải tiến chở đầy đất ở dưới mương, vừa lò dò trèo lên, thì Bác đã đến trước mặt từ lúc nào không hay. Bác bắt tay tôi. Theo phản xạ tự nhiên, tôi rụt tay lại, thụt lùi vì lúc ấy tay mình đang bê bết bùn đất.
- Chú là người dân tộc nào? Bác hỏi.
- Dạ thưa Bác, cháu là dân tộc Êđê, ở Dak Lak, tôi lí nhí đáp.
Bác nói tiếp: Đồng bào ở miền Nam đang còn phải đấu tranh. Đời sống của đồng bào trong ấy còn nhiều khó khăn. Bác biếu chú hạt bắp, đem về đất Tây Nguyên mà trồng.
Nói xong Bác lên xe đi.

Tôi đứng đó thật lâu. Lâu lắm. Mãi đến khi thủ trưởng đơn vị nhắc nhở: “Sao không lao động tiếp mà cứ đứng đó?” “Dạï, em đang chờ hạt bắp của Bác”. Lúc đó, tay tôi vẫn đang xòe rộng. Chợt hiểu, thủ trưởng giải thích: Hạt bắp chính là con người, là hạt giống của cách mạng. Tôi như bừng tỉnh khỏi cơn mơ, nhiều ngày sau đó và cho tới tận bây giờ vẫn chưa hết tiếc nuối, tự trách mình, tại sao lúc ấy mình không nắm tay Bác thật chặt, thật lâu”.

Lần thứ hai, Ama Phương được gặp Bác là vào năm 1959 tại quê Bác. Khi ấy, đơn vị đang diễn tập, Bác đến thăm. Không may mắn như lần đầu Ama Phương chỉ được nhìn Bác từ rất xa. “Tim tôi đập dồn dập, lần này tôi ngắm Bác kỹ hơn và tự nhủ: những lời căn dặn của Bác, con mãi khắc sâu trong tim”, ông kể.
Một vinh dự lớn lại đến với Ama Phương: năm 1962 ông được cử đi học văn hóa ở Trường Dân tộc Trung ương. Năm 1963, Bác Hồ đến thăm trường và Ama Phương lại có dịp được gặp Bác lần thứ ba. Buổi nói chuyện hôm ấy, Bác đã động viên thầy cô giáo, học sinh toàn trường phải cố gắng học thật tốt. Bác đã dành nhiều thời gian hỏi thăm các học viên từ miền Nam ra. Bác đã nhận ra người thanh niên người dân tộc ở Êđê tại công trình Bắc Hưng Hải năm nào. Bác nói riêng với Y B’Him cũng là lời căn dặn chung đối với các bạn: “Quân đội mình bây giờ đã xây dựng chính quy, trang bị vũ khí hiện đại nhưng con người không có văn hóa thì không được. Cháu học văn hóa là rất tốt. Muốn học giỏi, phải kiên trì, chịu khổ”. Mọi người trật tự, nghe như nuốt từng lời Bác nói. Ama Phương chưa hết bần thần thì Bác đã đi khỏi từ khi nào không hay. 

Ông Y B’Him Mlô (ngồi giữa) đang "chia sẻ sự may mắn" về những lần được gặp Bác với hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Krông Năng.
Ông Y B’Him Mlô (ngồi giữa) đang "chia sẻ sự may mắn" về những lần được gặp Bác với hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Krông Năng.


Gieo hạt giống trên đất Tây Nguyên
Những lần được gặp Bác thật ngắn ngủi, nhưng với Ama Phương đó lại là “khoảnh khắc vàng”mà không phải ai trong đời cũng may mắn có được. Lời dặn dò, động viên của Bác đã được Ama Phương biến thành hành động khi luôn tự nhủ, phải lao động, học tập thật tốt xứng  với niềm tin của Bác dành cho mình, cho đồng bào Tây Nguyên. Trên công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải lớn nhất miền Bắc bấy giờ, chàng thanh niên Y B’Him hăng hái lao động, làm không biết mệt mỏi. Y B’Him liên tục được đơn vị khen thưởng về thành tích lao động xuất sắc. Những lời Bác dạy và tấm gương đạo đức của Người đã tỏa sáng, giúp Y B’Him tiếp tục  phấn đấu giành kết quả cao trong học tập tại Trường Dân tộc Trung ương. Đó còn là niềm tin, nguồn sinh lực giúp Ama Phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng ở Hạt Kiểm lâm Krông Buk từ năm 1976 - 1990 và tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương cho đến tận bây giờ.

Gần 80 tuổi đời, 41 tuổi Đảng, già Ama Phương vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Hằng ngày, ông vẫn cần mẫn đến từng nhà ở các buôn trong xã Ea Hồ thăm hỏi, động viên bà con lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết, xây dựng buôn làng văn hóa. Ama Phương luôn là tấm gương mẫu mực của sự giản dị, khiêm tốn, một lòng thủy chung với  Đảng, với nhân dân, được mọi người vị nể, kính trọng. Bằng uy tín và lòng nhiệt tình, già Ama Phương luôn góp ý chân tình với các đồng chí cán bộ cơ sở về những việc làm chưa tốt ở thôn, buôn. Ama Phương là một trong những già làng tiêu biểu của tỉnh ta vinh dự được tham dự Hội nghị biểu dương già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên được tổ chức tại Gia Lai vào tháng 3-2009. Mới đây nhất, già Ama Phương là một trong những già làng, trưởng buôn tiêu biểu nhất của tỉnh đem những cây cà phê robusta (giống cà phê tốt nhất) ra trồng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 119 năm Ngày sinh nhật của Người (19 -5), với ý nghĩa quyết tâm làm rạng danh thương hiệu cà phê Việt Nam trên toàn cầu.

Giác ngộ cách mạng từ rất sớm, Ama Phương một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, các ban ngành trung ương, tỉnh tặng nhiều bằng khen nhưng với già phần thưởng lớn nhất, hạnh phúc nhất chính là 3 lần được gặp Bác, được nghe Bác dặn dò. Đến bây giờ khi đã ở cái tuổi “cổ lai hy” Ama Phương có thể tự hào được vinh dự báo công với Bác, hạt “bắp” Bác cho năm nào đã nảy mầm, đơm hoa, kết trái trên vùng đất Tây Nguyên.

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc