Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Mỹ lần thứ 2:

Tăng cường hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ ASEAN - Mỹ phát triển lên tầm cao mới

09:40, 26/09/2010

·    Mỹ muốn tăng cường quan hệ toàn diện với ASEAN

Ngày 25-9 theo giờ Hà Nội, tại thành phố New York, Mỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2010, đã cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng chủ trì Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Mỹ lần thứ 2.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã tập trung kiểm điểm những tiến triển tích cực trong quan hệ đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại ở cấp cao giữa hai bên và đồng ý tổ chức Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ ba vào năm 2011, bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Indonesia. Các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua việc lập Nhóm các nhân vật nổi tiếng ASEAN - Hoa Kỳ để nghiên cứu và đề xuất biện pháp tăng cường hợp tác hai bên trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo những kết quả đạt được trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN, cũng như quan hệ đối ngoại của ASEAN, trong đó có quan hệ với Mỹ. Chủ tịch nước đề nghị hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác ASEAN - Mỹ theo hướng toàn diện và thực chất hơn trên cơ sở cùng có lợi trên các lĩnh vực từ chính trị - an ninh, kể cả an ninh phi truyền thống, đến kinh tế - thương mại và văn hóa - xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng chủ trì Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN - Mỹ.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng chủ trì Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN - Mỹ.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ nhất trí hai bên cần tăng cường hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực cùng quan tâm. Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các thỏa thuận hợp tác hiện có, nhất là kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác tăng cường ASEAN - Mỹ trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo (2011-2015). Đồng thời, hai bên nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ để đạt được những mục tiêu chung trong khuôn khổ các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, sử dụng năng lượng hiệu quả, an ninh lương thực, nông nghiệp, trao đổi giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, quản lý thảm họa và ứng phó thiên tai, y tế, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán người, vũ khí và ma túy trái phép và các loại khác.

Tổng thống Mỹ Obama khẳng định Mỹ mong muốn tăng cường quan hệ toàn diện với ASEAN; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực và các diễn đàn hợp tác khu vực do ASEAN nắm vai trò chủ đạo, bao gồm cả Hội nghị cao cấp Đông Á (EAS); cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, triển khai kết nối ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển và thực hiện các MDG. Mỹ cũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của ASEAN đối với các diễn đàn đa phương.

Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh chính sách của Hoa Kỳ tăng cường quan hệ hợp tác xây dựng với khu vực; hoan nghênh Hoa Kỳ và Nga tham gia làm thành viên EAS bắt đầu từ năm 2011 và việc này sẽ được chính thức quyết định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 vào tháng 10-2010; hoan nghênh Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Nga sẽ tham dự EAS lần thứ 5 tại Hà Nội vào tháng 10-2010 với tư cách là khách mời của Chủ tịch EAS. Đồng thời đánh giá cao tuyên bố của Hoa Kỳ sẵn sàng tham vấn với ASEAN về việc hướng tới tham gia Nghị định thư Hiệp ước Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân; hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ các hoạt động của Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền và Ủy ban ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em.

Kết thúc, Hội nghị đã ra Tuyên bố chung, trong đó đề ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi, đưa quan hệ ASEAN - Mỹ phát triển lên tầm cao mới. Mỹ cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước vùng hạ lưu sông Mê Kông.

 Đ.T (Nguồn HNM, SGGP, VOV)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.