Tư tưởng đoàn kết trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Vĩnh biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử. Trong đó, tư tưởng đoàn kết xuyên suốt cả Di chúc cũng như đã xuyên suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc bao gồm: Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế.
Mở đầu Di chúc, Người viết: “Trước hết nói về Đảng – Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta”. (1) Để giữ vững và phát huy truyền thống đó, “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. (2) Theo Người, đoàn kết trong Đảng là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.
Một yếu tố cực kỳ quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”, “mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.(3) Và chỉ trên cơ sở đó, mới mở rộng dân chủ xã hội, tạo môi trường nuôi dưỡng sức mạnh đại đoàn kết – sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng, đoàn kết trong Đảng phải thể hiện ở tư tưởng và hành động, tư tưởng và hành động phải thống nhất. Đảng tuy có nhiều đảng viên, song khi tiến hành nhiệm vụ cách mạng thì chỉ như một người, trong Đảng không cho phép có tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trước hết phải dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối, quan điểm của Đảng. Người không chỉ kêu gọi, vận động toàn Đảng, toàn dân phải đoàn kết, mà chính Người là hiện thân của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là linh hồn của sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Người đã tập hợp, cảm hóa mọi người bằng chính tấm gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tận trung với nước, tận hiếu với dân, bằng tình thương yêu vô hạn đối với con người, trước hết là những người lao động. Sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nói luôn đi đôi với làm và đạo đức, nhân cách của Người đã quy tụ mọi lực lượng trong xã hội, trở thành động lực, sức mạnh đoàn kết trong Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với bà con và cán bộ huyện, xã, hợp tác xã Cầu Thành, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên ngày 3-2-1958. (Ảnh: T.L) |
Về sự đoàn kết quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em. Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. (4) Và Người đã kết thúc bản Di chúc bằng điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. (5)
Thực hiện Tư tưởng đại đoàn kết trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta luôn luôn ghi nhớ Lời thề danh dự trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi” (6). Văn kiện Đại hội X của Đảng còn ghi rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược nhất quán của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (7). Nghị quyết còn nêu rõ quan điểm: “Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức Đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu” (8). Đây là sự vận dụng và phát triển Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết thống nhất của Đảng trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta. Là Đảng cầm quyền, Đảng có đoàn kết thống nhất thì hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc mới đoàn kết xung quanh Đảng. Đoàn kết của Đảng là tấm gương cho cả hệ thống chính trị, là nhân tố quyết định bảo đảm đoàn kết dân tộc.
Đoàn kết thống nhất của Đảng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình phải thật thà, để gột rửa những tư tưởng, quan điểm, hành vi trái với bản chất của Đảng, vi phạm phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, tự phê bình và phê bình còn là đấu tranh để nâng cao năng lực cầm quyền.
Tự phê bình và phê bình cần tiến hành từ trên xuống, từ dưới lên. Trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" hiện nay, cần thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng thường xuyên, liên tục, gắn kết quả tự phê bình và phê bình với chỉnh đốn Đảng, củng cố và tăng cường hệ thống chính trị. Mặt khác, công tác kiểm tra có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Kiểm tra giúp cho cấp ủy Đảng kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguyên nhân, xử lý hiện tượng mất đoàn kết, đồng thời biểu dương kịp thời và có biện pháp cụ thể, thiết thực giúp cho các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên không ngừng chăm lo vun đắp khối đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng còn cần có sự tham gia và giám sát của quần chúng, và phải đạt tới mức độ làm rung động tình cảm cách mạng của đông đảo quần chúng.
Học tập, thấm nhuần, vận dụng và phát triển Tư tưởng đoàn kết trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang là nguyện vọng và là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta.
Ý kiến bạn đọc