Multimedia Đọc Báo in

Góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng thực sự là một chính Đảng cách mạng

10:02, 12/10/2010

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử của cách mạng Việt Nam, cũng là dấu ấn lịch sử đối với sự hình thành và phát triển công tác tổ chức của Đảng. Từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng ta đã nhận thức: công tác tổ chức, xây dựng Đảng có tầm quan trọng đặc biệt, là một bộ phận chủ yếu hợp thành và có tính chất quyết định thắng lợi trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc...

Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất họp từ ngày 14-10-1930 đến cuối tháng 10-1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc) do đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã quyết định hình thành 3 bộ ở Trung ương gồm: Bộ Tuyên truyền, Bộ Tổ chức kiêm giao thông (tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương Đảng) và Bộ tài chính. Việc hình thành Bộ Tổ chức kiêm giao thông đã đánh dấu sự chuyển biến mới trong công tác tổ chức của Đảng ta. Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã quyết định lấy ngày 14-10 hằng năm là ngày truyền thống của ngành Tổ chức xây dựng Đảng và cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp.
Ngay từ những ngày đầu được thành lập, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã tập trung vào việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh để lựa chọn những người ưu tú kết nạp đảng, xây dựng, củng cố các tổ chức của Đảng. Đến tháng 8-1945, Đảng ta vừa tròn 15 tuổi với 5.000 đảng viên đã lãnh đạo trên 20 triệu nhân dân trong cả nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên tại Đông Nam châu Á. Trong giai đoạn chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức cơ sở Đảng, đội ngũ đảng viên, góp phần động viên, tập hợp sức mạnh của cả dân tộc làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đất nước tạm thời bị chia cắt, miền Bắc đi lên xây dựng CNXH, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Công tác tổ chức xây dựng Đảng ở miền Bắc lúc này có nhiệm vụ chủ yếu là tập trung kiện toàn tổ chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể; đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ xuất thân từ công - nông, học sinh miền Nam tập kết. Ở miền Nam, công tác tổ chức Đảng tập trung xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên để lãnh đạo và đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, công tác tổ chức tập trung vào xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thống nhất trong cả nước; điều động hàng vạn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn cho miền Nam. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã cùng toàn Đảng tiến hành công cuộc đổi mới về tổ chức và cán bộ, tạo cơ sở cho việc tiến hành đổi mới toàn diện, từng bước khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị. Trong thời kỳ đổi mới, công tác tổ chức xây dựng Đảng bám sát thực tiễn, thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị; thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Nhiệm vụ của công tác tổ chức Đảng trong thời kỳ này đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng từ 15 đến 18-12-1986 vạch rõ: Xây dựng Đảng thật sự ngang tầm một đảng cầm quyền có trọng trách lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược. Đảng phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác. Khẳng định xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức là nhân tố quyết định sự phát triển của cách mạng. Từ đó đến nay, công tác tổ chức xây dựng Đảng luôn phát huy truyền thống, tập trung nhiệm vụ tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu  của Đảng, củng cố mối quan hệ mật thiết với nhân dân; đổi mới công tác cán bộ, tập trung xây dựng củng cố tổ chức cơ sở Đảng, kiện toàn tổ chức, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo...

Ban Tổ chức Tỉnh ủy đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống của ngành (14-10-2002). (Ảnh: T.L_
Ban Tổ chức Tỉnh ủy đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống của ngành (14-10-2002). (Ảnh: T.L)

Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã góp phần to lớn, quan trọng vào thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần xây dựng Đảng thực sự là một chính đảng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ nhân dân. Hệ thống tổ chức không ngừng được củng cố và đổi mới; đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức của Đảng được giáo dục, trưởng thành, không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, luôn phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc.

Riêng ở Dak Lak, tháng 5-1945 Ban lãnh đạo lâm thời Đảng bộ tỉnh được thành lập, gồm một số đồng chí tù chính trị vừa ra khỏi nhà đày Buôn Ma Thuột, do đồng chí Phan Kiệm làm Trưởng ban (Bí thư), chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh Dak Lak. Ban lãnh đạo lâm thời đã nhanh chóng lãnh đạo mở rộng diện cơ sở, cốt cán cách mạng, xây dựng phát triển đảng viên và tổ chức được 3 chi bộ, lãnh đạo các tầng lớp quần chúng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ngày 24-8-1945. Kể từ đó đến nay, dẫu trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng ngành tổ chức xây dựng Đảng Dak Lak vẫn tuyệt đối trung thành với mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng giao phó, làm tốt công tác tham mưu, xây dựng đội ngũ cán bộ, tổ chức Đảng, đặc biệt chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số... Các thế hệ ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã phấn đấu vượt qua mọi hy sinh gian khổ tham mưu và phục vụ tích cực cho sự lãnh đạo của Đảng, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chế độ XHCN và xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Có thể nói, công tác tổ chức xây dựng Đảng và Bảo vệ Đảng của các cấp ủy nói chung và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Dak Lak nói riêng đã đạt được thành tựu đáng tự hào, đó là: Đã không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, quán triệt chính trị tư tưởng, chủ trương đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện nghiêm túc chủ trương, nhiệm vụ và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các mặt công tác tổ chức xây dựng Đảng và Bảo vệ Đảng bảo đảm tốt chức năng là cơ quan tham mưu của cấp ủy, không ngừng xây dựng ngành tổ chức Đảng và bảo vệ Đảng các cấp trong tỉnh tiến bộ và trưởng thành. Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã phối hợp các ngành chức năng của Đảng và Nhà nước tập trung bồi dưỡng đào tạo, quy hoạch cán bộ các cấp, các ngành và cử đi học tại các trường của Trung ương; mở rộng diện đào tạo cho hàng vạn cán bộ thuộc các hệ trường của tỉnh, các trung tâm chính trị cấp huyện, tạo được cơ sở tốt cho công tác chuẩn bị nhân sự của các kỳ Đại hội đảng bộ các cấp, các khóa bầu cử HĐND,UBND các cấp, Đại biểu Quốc hội và các tổ chức Đoàn thể quần chúng. Từ một đội ngũ cán bộ không đồng đều, thiếu hụt sau ngày giải phóng, đến nay đội ngũ đảng viên trong toàn tỉnh lên đến 47.017 đồng chí với 21 Đảng bộ trực thuộc và 920 tổ chức cơ sở đảng .

Trải qua các thời kỳ cách mạng của tỉnh nhà, cán bộ công nhân viên ngành Tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Với những thành tích to lớn ấy, năm 2002 Ban Tổ chức Tỉnh ủy Dak Lak đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhất”. Ngoài ra, hằng năm nhiều cá nhân, tập thể còn được Ban Tổ chức Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống của ngành Tổ chức xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Dak Lak đã vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của Đảng và Nhà nước tặng thưởng. Có thể nói, những phần thưởng cao quý ấy là sự ghi nhận cống hiến to lớn của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức của Ngành tổ chức xây dựng Đảng tỉnh ta qua các thời kỳ cách mạng.

Nguyễn Minh Thư
(Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.