Hội nghị Cấp cao ASEAN 17: Xây dựng Cộng đồng ASEAN hợp tác phát triển bền vững
Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 |
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 17, 5 nội dung được đặc biệt nhấn mạnh, cần ưu tiên là: Thứ nhất, tiếp tục đề ra và tiến hành các giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là các giải pháp để tạo ra sự chuyển biến thực sự về “văn hóa thực thi”, tăng cường cơ chế giám sát và đánh giá việc thực hiện các thỏa thuận. Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN thông qua các kế hoạch và biện pháp cụ thể để hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN; theo đó, nên chủ động thúc đẩy quan hệ với các đối tác thông qua khuôn khổ ASEAN+1 lên tầm cao mới, theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. Đồng thời, tích cực đề xuất và tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các khuôn khổ hợp tác khu vực rộng lớn hơn do ASEAN giữ vai trò chủ đạo như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các đối tác. Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình trên cơ sở các quyết định của Cấp cao ASEAN-16. ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để các đối tác tham gia sâu rộng và đóng góp xây dựng hơn vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Thứ tư, cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của ASEAN, là nhân tố quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó cần có những nỗ lực lớn hơn, nhất là tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh để nâng cao hiểu biết và tin cậy giữa các quốc gia. Thứ năm, ASEAN cần thể hiện vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay, nhất là khủng hoảng tài chính - kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan khác, nhiều tuyên bố chung và những cam kết quan trọng đã được lãnh đạo các nước ASEAN thông qua. Trong đó có những cam kết đáng chú ý:
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực; tuân thủ và thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC), thúc đẩy hợp tác tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc cũng như đẩy mạnh hợp tác xử lý các vấn đề cùng quan tâm, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống mà khu vực đang phải đối mặt.
Tại hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ hai, lãnh đạo các nước đã nhất trí thông qua chương trình hành động triển khai sáng kiến “Hướng tới một thập kỷ Mekong xanh”. Theo đó, các bên sẽ hợp tác bảo tồn môi trường để khu vực Mekong có thể đạt được mục tiêu nhiều cây xanh, đa dạng sinh học và có khả năng chống chọi với thiên tai bằng nhiều biện pháp, trong đó có trồng rừng.
Ngày 29-10-2010, Nghị định thư sửa đổi Quy tắc thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ thuộc Hiệp định Thương mại hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đã được Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên ACFTA ký kết nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 17 tại Hà Nội. Việc sửa đổi những quy định này sẽ góp phần tạo thuận lợi thương mại giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, tháo gỡ những khó khăn, bất cập thường gặp phải trước đây như các quy định không chấp nhận C/O có hóa đơn do nước thứ ba phát hành, C/O giáp lưng. Quy tắc sửa đổi này sẽ bắt đầu thực hiện kể từ ngày 1-1-2011.
|
Ý kiến bạn đọc