Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Đóng góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng

08:58, 29/10/2010

Hôm qua (28-10), các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Các đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này và cho rằng, các văn kiện là một công trình khoa học lớn, đã được chuẩn bị công phu và trí tuệ, có nhiều điểm mới quan trọng. Các nội dung trong dự thảo văn kiện có sự gắn kết chặt chẽ, cô đọng và súc tích, thể hiện đường lối chính trị của Đảng với các yêu cầu cốt lõi là xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản của cách mạng Việt Nam trong cả thời kỳ dài và trong từng giai đoạn cách mạng.

Đóng góp ý kiến về những vấn đề cụ thể trong Cương lĩnh chính trị và chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020, các đại biểu tập trung vào các nội dung: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; phát triển kinh tế cần đi đôi với công bằng xã hội; quản lý xã hội bằng pháp luật; vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa…

Về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một số đại biểu cho rằng: Trong các văn kiện đều đánh giá, tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi như yêu cầu đặt ra. Những vụ việc tham nhũng phát hiện sau thường lớn hơn, tinh vi hơn những lần trước... khiến cử tri và nhân dân bức xúc, song các giải pháp phòng, chống tham nhũng thì chưa thực hiện triệt để, cần làm rõ nguyên nhân vì sao?

Về nội dung lựa chọn cán bộ lãnh đạo, có ý kiến đại biểu cho rằng: Phải làm sao chọn được người lãnh đạo trong Đảng từ cấp cao nhất là Tổng Bí thư đến cấp ủy viên Ban Chấp hành và Bí thư ở Tỉnh ủy và ở Chi bộ. Hiện nay, chúng ta tiến hành bầu trong xã hội đa chiều thông tin và ở góc độ nhận thức ngày càng được nâng cao, do vậy, làm thế nào để vừa dân chủ, vừa chọn được người tài là điều quan trọng.
Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, văn kiện cần chú trọng hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xiết chặt kỷ cương, kỷ luật Đảng; Xây dựng môi trường pháp luật kinh doanh bình đẳng cho các thành phần kinh tế…

Cho ý kiến về nền kinh tế phát triển bền vững những năm qua và sắp tới, một số đại biểu cho rằng, nếu không có giải pháp mạnh mẽ hơn thì yếu tố chưa bền vững vẫn sẽ còn hiện diện trong nền kinh tế và là nỗi lo cho phát triển kinh tế vĩ mô. Do đó, phát triển kinh tế những năm tới, Chính phủ cần quan tâm bảo vệ môi trường; bảo vệ quyền lợi của người lao động. Cần phải trả lương cho người lao động một cách sòng phẳng, nâng cao đời sống người lao động. Trong phát triển kinh tế 5 năm tới không nên đánh đổi môi trường và lao động rẻ là lợi thế của Việt Nam mà cần có sự bứt phá về tư duy, chọn lọc về đầu tư để đảm bảo kinh tế bền vững.

Về các vấn đề xã hội, nhiều đại biểu đồng tình với báo cáo cho rằng báo động về tình trạng bất ổn xã hội, coi thường pháp luật, nhân cách của một bộ phận học sinh xuống cấp. Nền giáo dục của chúng ta còn xem nhẹ giáo dục làm người... Giáo dục - đào tạo hiện nay còn mang tính nhồi nhét về kiến thức mà chưa đầu tư đào tạo những con người có tính phản biện, tư duy sáng tạo độc lập so với các nền giáo dục khác còn kém...

Q.A (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc