Multimedia Đọc Báo in

Những kết quả nổi bật trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”

08:30, 13/10/2010

Để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và của cả cộng đồng về công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới, tháng 2-2009, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, tỉnh ta đã tích cực hưởng ứng triển khai thực hiện phong trào thông qua việc ngay từ đầu quý 2-2009 Ban Dân vận Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành kế hoạch, hướng dẫn tiêu chí đánh giá điển hình “Dân vận khéo".

Thực hiện hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tập trung chỉ đạo tổ chức quán triệt, phổ biến mục đích, yêu cầu và nội dung, đồng thời phát động phong trào thi đua đến cán bộ, đảng viên và nhân dân gắn với việc cụ thể hóa xây dựng kế hoạch và tiêu chí đánh giá điển hình “Dân vận khéo” sát với tình hình thực tiễn. Ngoài việc chủ động tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo tổ chức có hiệu quả Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15-10) với các nội dung, hình thức, cách làm sáng tạo trong đó chú trọng xây dựng điển hình, nhiều địa phương, đơn vị đã hướng dẫn cho cơ sở đăng ký các điển hình, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở về các tiêu chí đánh giá điển hình “Dân vận khéo”. Theo đó, nhiều huyện đã tiến hành khảo sát, chọn điểm chỉ đạo kiểm tra, đánh giá chất lượng, hướng dẫn nhân rộng điển hình, ký kết chương trình phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể, lực lượng vũ trang về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Minh chứng sinh động cho kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” là Mặt trận, các đoàn thể đã xây dựng được gần 5.000 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, “Mái ấm cho người nghèo”, “Mái ấm Công đoàn”, đồng thời ký kết chương trình phối hợp với các ngân hàng để tín chấp ủy thác cho đoàn viên, hội viên vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo với tổng kinh phí trên 400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghịêp cấp tỉnh, huyện đã triển khai các biện pháp giúp nhân dân buôn kết nghĩa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt chính quyền các địa phương đã thực hiện đồng bộ chính sách hỗ trợ cho người nghèo qua việc giải quyết cho trên 5.000 lượt hộ nghèo vay vốn, trên 1.000 hộ vay tiền làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí hơn 44 tỷ đồng. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình “Dân vận khéo” trong việc vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết tranh chấp đất đai, tổ chức các hoạt động từ thiện, thực hiện công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt đã đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng của Mặt trận, đoàn thể đi vào chiều sâu, có hiệu quả như: phong trào “Ngày vì người nghèo”,“Thực hành tiết kiệm chống lãng phí”,“4 đồng hành, 3 xung kích”...

Ngoài việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, cả hệ thống chính trị đã tập trung triển khai thực hiện công tác “Dân vận khéo” trên lĩnh vực an ninh quốc phòng nói chung và công tác vận động quần chúng nói riêng. Bên cạnh thực hiện công tác vận động quần chúng định kỳ theo kế hoạch, Mặt trận, các đoàn thể, hệ thống dân vận các cấp, đội công tác phát động quần chúng chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động thành lập hơn 40 đoàn công tác của tỉnh tổ chức vận động quần chúng tại các địa bàn xảy ra nhiều vụ khiếu kiện, tập trung đông người có liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, giải quyết chế độ, chính sách... Trong các đợt vận động quần chúng, ngoài hình thức tổ chức vận động tập trung, vận động theo giới của từng đoàn thể, các đoàn vận động quần chúng đã đẩy mạnh giáo dục, vận động đối tượng cá biệt thông qua việc tiếp cận các buôn, hộ gia đình có người tham gia khiếu kiện, gây gổ, đánh nhau để cùng với cốt cán cơ sở, già làng, trưởng buôn giải thích về âm mưu của bọn phản động, hành vi và việc làm sai trái của những người tham gia gây rối làm cho nhân dân thấy việc xử lý của các cơ quan chức năng là đúng pháp luật. Kết quả, từ năm 2009 đến nay, hệ thống dân vận, đội công tác phát động quần chúng chuyên trách các cấp, mặt trận, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và các đoàn phát động quần chúng của tỉnh, huyện đã tổ chức phát động quần chúng tại 450 buôn của 184 xã, phường, thị trấn thuộc 15 huyện, thị, thành phố với trên 297.000 lượt người tham dự.

Bộ đội biên phòng thăm hỏi và khám chữa bệnh cho người dân vùng biên. (Ảnh: Văn Nhương)
Bộ đội biên phòng thăm hỏi và khám chữa bệnh cho người dân vùng biên. (Ảnh: Văn Nhương)

Nhờ khéo tuyên truyền, vận động, qua các đợt vận động quần chúng, nhiều địa phương đã phát huy được tinh thần trách nhiệm của nhân dân trong việc đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tham gia xây dựng dân quân tự vệ, bảo vệ an ninh trật tự, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Trong đó, kết quả quan trọng là đã giúp nhân dân thấy rõ sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giảm bớt tình trạng lãn công, đình công của công nhân trong các doanh nghiệp, hạn chế các vụ việc tập trung khiếu kiện đông người, vượt cấp, thanh niên gây gổ, đánh nhau, vượt biên trái phép ... Các điển hình “Dân vận khéo” trong việc xây dựng và thành lập các tổ tự quản, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tuổi trẻ giữ nước qua thực hiện phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều, đạt hiệu quả cao đáng để nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Kết quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể trong sạch vững mạnh. Gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đã có nhiều biện pháp tích cực để giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đặc biệt, hưởng ứng chủ đề “Năm dân vận chính quyền”, đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước ở nhiều cơ quan đã có chuyển biến trong việc rèn luyện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, coi trọng, lắng nghe ý kiến và kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân. Nhờ vậy, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2010 đã giảm so với cùng kỳ năm 2009 (số đơn giảm 178 đơn, bằng 4,2%).

Ngoài ra, Mặt trận, các đoàn thể đã tích cực vận động nhân dân góp ý kiến xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao ý thức tự quản của cộng đồng dân cư với hoạt động tích cực của các tổ hòa giải thôn, buôn, tổ dân phố. Riêng 9 tháng đầu năm 2010 có trên 2.000 vụ việc, chủ yếu là tranh chấp dân sự trong cộng đồng dân cư đã được các tổ hòa giải thôn, buôn, tổ dân phố thụ lý, giải quyết, đạt 88,7% số vụ việc.

Cùng với việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, công tác xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến dẫn đầu phong trào ở từng lĩnh vực để bồi dưỡng. Đồng thời, đã quan tâm công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng hàng trăm mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở cơ sở có hiệu quả thiết thực, có sức lan toả thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

Tuy nhiên, do thời gian phát động còn ngắn, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị  về công tác dân vận, về hiệu quả của mô hình “Dân vận khéo” chưa thật đầy đủ nên trong quá trình triển khai thực hiện chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân. Mặt khác, một số địa phương, đơn vị mới dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức đăng ký, riêng công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng mô hình, điển hình còn hạn chế, trong lúc đó số lượng mô hình điển hình chưa nhiều, chất lượng còn khiêm tốn, tên gọi một số mô hình còn chung chung, chưa rõ nét. Vì vậy, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói chung, xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” nói riêng thực sự phát huy tính hiệu quả, tính bền vững cần phải có sự quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện cụ thể hơn nữa của cả hệ thống chính trị để “Dân vận khéo” thực sự là một hoạt động, một việc làm thường xuyên, đồng thời phải được chú trọng biểu dương nhân rộng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên từng địa bàn dân cư, trong từng cơ quan, đơn vị. 

Mai Lan Anh
(Ban Dân vận Tỉnh ủy)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.