Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15-10-1930 – 15-10-2010)

Công tác Dân vận có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong tình hình mới

07:59, 13/10/2010

Cách đây 80 năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 đến 31-10-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng. Nghị quyết đã ghi rõ: Trong các Đảng bộ phải tổ chức ra các ban chuyên môn về các giới vận động như: công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, Mặt trận phản đế.

Có thể nói, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác vận động quần chúng. Các phong trào cách mạng như: phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, phong trào Phản đế và phong trào Mặt trận Việt Minh … đã khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong việc tập hợp, chuẩn bị lực lượng cách mạng để tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 31-8-1947, Thường vụ Trung ương Đảng ra Nghị quyết về xây dựng đảng đoàn, xây dựng các ban chuyên môn trong đó có Ban Dân vận. Ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo Dân vận, đăng trên báo Sự thật, nội dung bài báo có thể coi là cương lĩnh về công tác Dân vận của Đảng. Chính vì vậy, ngày 14-10-1999, Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm làm Ngày Dân vận của cả nước.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hy sinh và đã giành được thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi đó cũng là thắng lợi của đường lối mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Trong suốt 30 năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, công tác dân vận của Đảng đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào yêu nước trong nhân dân, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, góp phần làm nên những chiến công hiển hách, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.

Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác dân vận (2009-2010) giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và công an tỉnh. (Ảnh: H.A)
Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác dân vận (2009-2010) giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và công an tỉnh. (Ảnh: H.A)

Với quyết tâm đổi mới toàn diện, Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới. Kế thừa các quan điểm chỉ đạo về công tác vận động quần chúng của Đảng, tại Đại hội VII, Đảng ta đã xác định phải xây dựng cơ chế để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; “Về công tác dân tộc”; “Về công tác tôn giáo”. Đại hội X của Đảng đã rút ra 5 bài học thực tiễn của 20 năm đổi mới, trong đó có bài học quan trọng về công tác Dân vận: “đổi mới phải từ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân…”. Trong 80 năm qua, công tác Dân vận của Đảng đã đạt được những thành tích to lớn, tạo ra sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Những thành tích đó đã góp phần làm cho Đảng ta tập hợp được sức mạnh của nhân dân để vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những thành tích to lớn đó, có một phần đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác Dân vận của Đảng qua các thời kỳ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc cũng như trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ tỉnh Dak Lak luôn coi trọng công tác vận động quần chúng. Qua đó đã huy động được nguồn sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương. Là một tỉnh Tây Nguyên có nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo, vì thế nên công tác Dân vận của tỉnh càng có  ý nghĩa hết sức quan trọng trong tình hình mới. Đặc biệt, sau hai vụ biểu tình bạo loạn (vào tháng 2-2001 và tháng 4-2004), tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến khó lường. Các thế lực thù địch đã và đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp bạo loạn lật đổ chống phá ta trên nhiều lĩnh vực. Trong lúc đó, một bộ phận quần chúng nhân dân vẫn còn nhận thức mơ hồ, cả tin, mất cảnh giác, dễ bị các thế lực thù địch phản động dụ dỗ, lôi kéo, kích động. Thực tế đó đã đặt ra cho công tác Dân vận những thử thách mới, nhiệm vụ mới, chất lượng mới để đáp ứng được yêu cầu của cách mạng. Vì lẽ đó, hiện nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu của cấp ủy mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác Dân vận; là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác Dân vận của Tỉnh ủy với những nhiệm vụ quan trọng như: nghiên cứu, đề xuất những chủ trương, giải pháp về công tác Dân vận của cấp ủy và Ban Thường vụ; tham mưu cấp ủy thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác Dân vận, dân tộc, tôn giáo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng về công tác Dân vận; chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan trong hoạt động chung về công tác Dân vận…

Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương thăm Ban đại diện Tin lành Dak Lak trong chuyến làm việc tại tỉnh ta. (Ảnh: H.K)
Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương thăm Ban đại diện Tin lành Dak Lak trong chuyến làm việc tại tỉnh ta. (Ảnh: H.K)

Những năm qua, hệ thống dân vận các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, sơ, tổng kết các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và địa phương về công tác Dân vận, chăm sóc người cao tuổi, kiểm tra quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác đoàn thể, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”…, đặc biệt là đã tham mưu thành lập được đội công tác phát động quần chúng chuyên trách, triển khai và duy trì công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, đã thường xuyên tham mưu cho Thường trực cấp ủy chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể, lực lượng vũ trang đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giáo dục quần chúng, tổ chức tốt các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, cùng địa phương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Từ thành quả công tác Dân vận cho thấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy đảng các cấp đã phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, khơi dậy nội lực trong nhân dân, vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt công tác vận động quần chúng đã góp phần quan trọng vạch trần âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch và bọn phản động Fulro lưu vong đã và đang chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, vận động nhân dân tích cực thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo, làm cho sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng tăng lên.

Công tác Dân vận trong thời kỳ mới có một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Để xứng đáng với lòng tin của Đảng và nhân dân, đội ngũ cán bộ Dân vận hiện nay nguyện đoàn kết một lòng, cùng nhau kế thừa những kinh nghiệm quý báu về công tác Dân vận, tác phong dân vận của các thế hệ trước, phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần trách nhiệm, tận tụy và lăn lộn với phong trào quần chúng, nắm bắt và phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc của cuộc sống để tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần tích cực vào công cuọc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng của tỉnh nhà trong giai đoạn mới.

Đỗ Thanh Xuân
(Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.